Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hôm nay, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực
01 | 11 | 2007
"Sẽ có không ít doanh nghiệp không theo kịp và bị "rớt" lại".

Từ hôm nay (1/7), Luật Doanh nghiệp 2006 và Luật Đầu tư bắt đầu có hiệu lực. Thạc sĩ Nguyễn Đình Cung - thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp, Trưởng ban Vĩ mô của Viện Quản lý kinh tế Trung ương - đã có những nhận xét ban đầu về tác động của luật đối với nền kinh tế.

>>Chờ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tác động của luật mới lên các nhóm đối tượng chịu sự điều chỉnh?

Theo quan điểm cá nhân tôi, hai luật này tác động mạnh mẽ nhất, tích cực nhất đến nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam.

Bởi vì, 2 luật này kết hợp với nhau tạo khung pháp luật mà theo đó, họ được quyền đầu tư kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những việc cơ quan Nhà nước cho phép. Nguyên tắc này được áp dụng cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước từ năm 2000, nay được áp dụng chung cho khu vực nước ngoài.

Nhưng có 2 điểm cần lưu ý: Không phải tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều được hưởng lợi. Những doanh nghiệp hiện đang đầu tư trong lĩnh vực được bảo hộ rất mạnh như ô tô, xe máy, xi măng sẽ bị giảm quyền lợi vì nhiều người khác đều có thể gia nhập thị trường.

Thứ hai, đừng kỳ vọng vào một sự bùng nổ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vì nhà đầu tư nước ngoài có rất nhiều địa điểm để lựa chọn. Quyền được đầu tư kinh doanh tất cả những gì pháp luật không cấm được áp dụng ở các nơi khác từ lâu rồi.

Đối tượng thứ hai bị tác động rất mạnh là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với rất nhiều nhóm lợi ích có liên quan. Nếu làm đúng luật thì không ít người sẽ bị mất quyền thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu. Những thứ doanh nghiệp Nhà nước đang được đối xử ưu ái hơn hoặc đặc quyền đặc lợi sẽ dần bị xóa bỏ và cơ bản xóa bỏ vào năm 2010.

Việc này làm cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước nói chung và từng doanh nghiệp bị thiệt thòi. Từ đó chính những con người làm việc trong doanh nghiệp hoặc người làm trong bộ máy quản lý của những doanh nghiệp này cũng bị thiệt.

Nhưng xét về lâu dài, hoạt động quản trị sẽ minh bạch hơn theo những chuẩn mực được quy định trong luật vốn được quốc tế thừa nhận. Sẽ có không ít doanh nghiệp không theo kịp và bị “rớt” lại. Nhưng cũng hơi bi quan ở chỗ lực kéo của luật cũ quá lớn, trong khi lực đẩy của cơ chế mới chưa rõ.

Theo ông, hai luật này có tính chất “đón đầu” hội nhập hay không?

Nhìn tổng thể cả nền kinh tế, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã khiến thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam hoàn thiện hơn. Hoạt động của nền kinh tế hết bị giới hạn, cắt khúc giữa khu vực Nhà nước, tư nhân, nước ngoài.

Hiện nay tính chia cắt thể hiện trong cả nền kinh tế, trong từng doanh nghiệp. doanh nghiệp Nhà nước dựa vào tích lũy của Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân tích lũy từ nội bộ, từ lợi nhuận tái đầu tư mà chưa có cơ chế tích tụ vốn từ nguồn khác. Khi có luật chung, chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo “khung” cho doanh nghiệp tích tụ vốn từ bên ngoài.

Ví dụ ở các nước, một doanh nghiệp cứ phát triển đều đặn thì 30 đến 40 năm thành tập đoàn. Tại sao họ làm được thế? Vì họ có nhiều kênh huy động vốn bên ngoài.

Giả sử nhóm doanh nghiệp thuộc diện bị thu hẹp quyền lợi không muốn chuyển đổi mô hình theo luật mới thì phải xử lý như thế nào?

Nhóm này rơi vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với dự án đang làm không có ảnh hưởng gì vì chuyển đổi thì họ được hưởng lợi rất nhiều từ cơ chế mới. doanh nghiệp không chuyển đổi chủ yếu là không muốn mở ra dự án mới. Sau 2 năm họ không chuyển đổi cơ cấu thì vẫn được hoạt động theo luật cũ cho đến khi dự án hết hiệu lực.

Theo ông, kiến nghị hoãn thông qua Luật Đầu tư của các doanh nghiệp trước đây có phải chỉ vì họ “không hiểu hết” như giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư? Những kiến nghị đó có được giải quyết hài hòa không hay chúng ta đã chọn giải pháp cứ thông qua luật, còn vướng mắc gì sẽ điều chỉnh bằng nghị định?

Cái chưa rõ mà người ta đòi hỏi, một là hình thức và nội dung của các hồ sơ đăng ký hay xin chấp thuận, thẩm tra đầu tư. Một vấn đề khác, luật phân biệt dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư ngoài nước với điều kiện đăng ký, nội dung thẩm tra không giống nhau.

Thế thì lấy ví dụ một doanh nghiệp tư nhân trong nước làm 3 dự án, trong đó 1 dự án vốn chủ sở hữu, 1 dự án vốn vay trong nước, 1 dự án vốn vay nước ngoài thì dự án thứ 3 có gọi là dự án đầu tư trong nước và làm theo thủ tục như 2 dự án kia hay không? Cái này khi thực hiện sẽ vướng mắc rất lớn.

Ngay cả thủ tục đăng ký đầu tư, luật quy định chỉ cần điền vào đơn nhưng không nêu điều kiện và tiêu chí thế nào thì được chấp thuận. Tôi thấy các quy định trong luật không rõ ràng, cụ thể và không tiên liệu được.

Theo Lao động


Báo cáo phân tích thị trường