Mục đích của các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đặt ra trong cuộc gặp này là hai bên nên đưa ra hạn ngạch xuất khẩu của mình để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và mang lại lợi ích cao nhất cho người nông dân ở mỗi nước trước nhu cầu tiêu dùng và giá cả ngày càng tăng trên thị trường thế giới. Nếu cuộc gặp đạt được những kết quả tốt đẹp, giá gạo xuất khẩu sẽ ổn định hơn sau khi đột ngột tăng từ khoảng 7.000 bạt/tấn (3,56 triệu đồng/tấn) vào tháng 1 lên 8.200 bạt/tấn (gần 4,2 triệu đồng) trong tháng 2 này. Ngoài ra, giá gạo ổn định cũng sẽ góp phần tránh được việc bán phá giá và tiến tới sự hợp tác trong việc nâng tiêu chuẩn gạo thương mại, thu hẹp khoảng cách giá xuất khẩu gạo giữa hai nước.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ vào khoảng từ 975 - 1.950 bạt (khoảng 30 - 60 USD), thấp hơn giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Hai nước từng có những thỏa thuận phối hợp bình ổn giá gạo xuất khẩu, nhưng việc triển khai thỏa thuận đó đã bị lãng quên kể từ năm 2006 khi tình hình chính trị Thái Lan liên tục bất ổn, dẫn tới cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Các nhà xuất khẩu của Thái Lan hiện đang phải chịu sức ép cạnh tranh về giá cả hàng hóa bởi sự tăng giá của đồng bạt so với USD. Tỷ giá giữa đồng bạt và USD gần đây luôn ở mức 32,4 bạt/1 USD./.