Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lời "trăng trối" của người "sắp chết"
02 | 04 | 2008
Sẵn sàng chấp nhận sự sàng lọc tất yếu trong quá trình các doanh nghiệp thuốc thú y khi vào sân chơi WTO thông qua GMP. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, chính cách làm của Cục Thú y khiến họ "chết tức tưởi".
Giúp "cá lớn nuốt cá bé"?

Ngày 27.2, hơn 37 đại biểu - thay mặt cho các thành viên Hiệp hội Sản xuất - kinh doanh thuốc thú y (HH.TTY) từ các Cty ở ĐBSCL, TPHCM, Hà Nội, cùng với Ban đổi mới DN - Bộ NNPTNT... - đã ngồi lại ở Viện Thú y quốc gia để giải quyết những bức xúc xung quanh CV chốt hạn số 87/TY-QLT, ngày 21.1.2008 của Cục Thú y.

GĐ Cty M.Q (TPHCM) tố cáo: Ngay sau khi Cục Thú y ban hành CV 87, một số nhân viên tiếp thị của DN đã có GMP đưa bản photocopy CV này đến các cửa hàng đại lý, nói rằng đừng mua hàng của những cơ sở chưa có GMP nữa bởi chỉ cuối năm nay họ sẽ ngừng hoạt động.

Trong khi đó, theo ước tính của HH.TTY, những cơ sở chưa có GMP chiếm khoảng 50% thị phần; 30% khác thuộc 7 DN có GMP; 20% thuộc Cty nước ngoài. Như vậy vô tình, CV 87 đã giúp các DN chưa có GMP "băng hà" nhanh hơn, mặc dù thời hạn "chết" của họ chưa tới.

Trong khi đó, không hẳn các "đại gia" đang có GMP lại đạt chuẩn. Bằng chứng, cuối năm 2007, Cục Thú y có đợt lấy mẫu để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Theo đó, trong số 41 sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng có 20 sản phẩm của 3 "đại gia" có GMP (chiếm gần 50% số sản phẩm buộc phải thu hồi).

Thực tế không đơn giản

Theo tiêu chuẩn GMP, 1 nhà máy sản xuất phải có ít nhất 2 dược sĩ. Nhưng phải tới năm 2012, sinh viên khoá đầu của Trường ĐH Nông lâm TPHCM mới ra trường, rõ là sự bế tắc nguồn nhân lực cho DN lo GMP?

Mặt khác, sản xuất hoàn thiện 1 sản phẩm TTY (nhất là thuốc tiêm) mất từ 10-12 giờ. Mỗi Cty sản xuất TTY hiện có từ 60-100 sản phẩm hợp lệ, vậy thời gian nhà máy đạt GMP sản xuất cho mình, thời gian nào để sản xuất gia công?

"Trong tình cảnh đó, khó loại trừ sản phẩm có hợp đồng gia công sản xuất từ nhà máy có GMP, nhưng có thực sản xuất ở đó hay không thì phải xem lại!" - ông N.T nói thẳng!

Một GĐ Cty dược phẩm thú y thuỷ sản ở ĐBSCL còn cho hay, 2/3 số DN không GMP có vốn dưới 7 tỉ đồng, trong khi tối thiểu phải có khoảng 17 tỉ đồng để xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP và 10 tỉ đồng nữa để hoạt động.

Đành rằng, Cục Thú y đã "kết sổ" năm 2006 rồi lại "ân huệ" thêm 2 năm, nhưng cục có thấy một thực tế: Chính trong khoảng thời gian đó, ngành chăn nuôi lại liêu xiêu vì dịch bệnh H5N1, heo tai xanh, LMLM; đồng nghĩa kéo ngành sản xuất TTY "chung xuồng". DN TTY vừa và nhỏ lấy đâu "sức" để đầu tư?

Tại CV 87, cục có cho phép DN không đạt GMP được bảo lưu giấy phép sản xuất đến 31.12.2010. Tuy nhiên, theo HH.TTY, điều này không còn ý nghĩa thực hiện bởi DN bị buộc ngừng sản xuất từ 12.2008 thì lấy đâu ra nguồn vốn tích luỹ để xúc tiến GMP trong tương lai?

GĐ Cty M.Q (TPHCM) thì khẩn thiết: "Chúng tôi tha thiết mong Bộ NNPTNT, Cục Thú y nghiên cứu kỹ về mọi mặt để có hướng giúp đỡ DN một cách đúng nghĩa. Đừng biến sự cải cách để phát triển thành công cụ giúp "cá lớn nuốt cá bé" một cách hợp lệ!".

Dự báo của HH.TTY, sẽ có hàng loạt DN rơi vào tình cảnh như vậy. Xây dựng lộ trình GMP không đơn giản mà cần phải phát triển tương thích, đồng bộ giữa sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, kiểm nghiệm và có sự chuẩn bị tốt của cơ quan quản lý.

Các DN "sắp chết" tức tưởi bởi cách làm của Cục Thú y đã khiến họ không "nhắm mắt" được, mặc dù ai cũng hiểu, GMP là cần thiết để sàng lọc DN yếu kém, thanh lọc sự "bát nháo" của thị trường TTY lâu nay.


Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường