Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến thủy sản: Loại bỏ kháng sinh cấm ra sao?
19 | 06 | 2007
Sau khi Nhật kiểm tra 100% đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp thủy sản càng quyết tâm tìm giải pháp để giải quyết tận gốc vấn nạn dư lượng kháng sinh cấm trong sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

Kiểm rồi nhưng vẫn lọt

Theo ông Trần Thiện Hải - chủ tịch Ủy ban Tôm Việt Nam, đây là thời điểm giá tôm nguyên liệu tốt nhất kể từ năm 2002 đến nay. Tuy nhiên mức giá này khó giữ được trong thời gian tới sau khi phía Nhật áp dụng qui định kiểm tra 100% đối với sản phẩm tôm nuôi Việt Nam. “Với tần suất kiểm tra 100%, nguy cơ mất thị trường Nhật đã ở mức báo động đỏ. Nếu chúng ta không phản ứng nhanh sẽ khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam”, ông Hải nói.

Một quan chức Cục Quản lý chất lượng, an toàn và vệ sinh thú y thủy sản (Nafiqaved) cho biết ngoài việc tuyên truyền cho người nuôi tôm nhận thức được tác hại của việc sử dụng kháng sinh, ngành thủy sản đang tính tới việc áp dụng biện pháp đơn phương kiểm tra chất lượng hàng xuất tại các doanh nghiệp. Theo quan chức này, Nhật là thị trường “mở” cho tất cả các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, do vậy Nafiqaved không có cơ sở pháp lý để kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản xuất sang Nhật. Đây là nguyên nhân dẫn đến “lọt sổ” những lô hàng có dư lượng kháng sinh.

Tuy nhiên biện pháp kiểm tra tại doanh nghiệp đã vấp phải sự phản ứng từ các đơn vị trong ngành chế biến thủy sản. Theo ông Nguyễn Việt Cường, giám đốc Công ty Minh Hải Jostoco, thời gian kiểm tra thường mất 5-7 ngày, các doanh nghiệp sẽ bị mất cơ hội làm ăn, chưa kể giá thành sản phẩm sẽ bị đội lên rất nhiều do chi phí kiểm tra. Giám đốc một doanh nghiệp cho biết chỉ riêng trong tháng 9/2006, đơn vị này đã chi hơn 182 triệu đồng cho Nafiqaved để kiểm tra kháng sinh và vi sinh, chưa kể một khoản chi phí rất lớn mà đơn vị này phải bỏ ra để tự kiểm tra nguồn nguyên liệu đầu vào.

“Tốn kém thế nhưng vẫn có lô hàng bị lọt và phải trả về”, giám đốc doanh nghiệp này than thở. Ông Phạm Thanh Chiến - giám đốc Công ty Hải Việt - cho biết sau khi được Nafiqaved kiểm tra, những lô hàng tôm xuất đi Nhật vẫn bị phía Nhật kiểm tra lại. Nếu bị phát hiện có dư lượng kháng sinh thì doanh nghiệp lãnh đủ, còn Nafiqaved không chịu trách nhiệm gì.

“Tích cực làm chuồng”

Khác với các thị trường Mỹ hay châu Âu - chỉ xử lý doanh nghiệp làm sai, thị trường Nhật lại gộp chung cho tất cả các doanh nghiệp nếu phát hiện một vài đơn vị vi phạm. Trong khi việc kiểm tra của Nafiqaved tại các doanh nghiệp chỉ có giá trị trên... mẫu, không loại trừ những lô hàng có dư lượng kháng sinh vẫn lọt qua khâu này, “quít làm cam chịu”, hậu quả là các doanh nghiệp khác cũng bị vạ lây.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty thủy sản Thuận Phước, đây không phải lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản gặp sự cố nhưng các biện pháp xử lý thời gian qua quá thụ động, chưa xử lý tận gốc. “Nếu cứ tiếp tục làm theo cách này, không chỉ ngành thủy sản gặp khó khăn ở thị trường Nhật mà tình trạng này có thể xảy ra ở các thị trường khác như Hàn Quốc, Mỹ...”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, cần phải xác định cụ thể trách nhiệm từng khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm tôm, từ con giống đến quá trình nuôi, thức ăn, thuốc thú y, cơ sở thu mua sơ chế và doanh nghiệp chế biến... để có biện pháp xử lý thích hợp. Nếu có bằng chứng doanh nghiệp để nguyên liệu có dư lượng kháng sinh vào sản xuất, cơ quan chức năng có thể phạt nặng đơn vị đó.

Trong khi kháng sinh trong sản phẩm có thể lây nhiễm từ nhiều nguồn, kể cả từ khâu sản xuất con giống đến thu mua, chế biến thì các biện pháp quản lý ở từng khâu lại chưa đồng bộ. Ngay khâu con giống, hiện ngành thủy sản chưa có một qui trình kiểm soát, bộ tiêu chuẩn chất lượng hoàn chỉnh. Trong khi đó, các loại kháng sinh chloramphenicol vẫn được bày bán tràn lan dưới nhiều dạng. Giám đốc một doanh nghiệp dẫn chứng khi bị đau mắt, công nhân có thể mua thuốc nhỏ mắt có chứa loại kháng sinh này, nguy cơ sản phẩm bị nhiễm chloramphenicol khó tránh khỏi.

“Cái khó hiện nay là doanh nghiệp chế biến thủy sản không thể truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm kháng sinh...”, ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch Hiệp hội Chế biến thủy sản, nói.

Theo ông Lực, hầu hết các đơn vị chế biến thủy sản xuất khẩu đều trang bị hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhưng việc kiểm tra chỉ dừng lại sản phẩm có hoặc không có kháng sinh hoặc tạp chất, mà chưa đủ năng lực kiểm tra định lượng kháng sinh bao nhiêu. Việc kiểm tra tại doanh nghiệp cũng chỉ thực hiện ở khâu thành phẩm.

“Nafiqaved và các doanh nghiệp không thể chỉ kiểm ở khâu thành phẩm, mà phải kiểm soát cho được các nguồn lây nhiễm, có thế mới xử lý tận gốc vấn đề lây nhiễm kháng sinh cấm”, một doanh nghiệp đề xuất. Nhiều ý kiến cho rằng để giải bài toán kháng sinh cấm, cần phải khép kín qui trình nuôi và thu mua sản phẩm, trong đó phải ràng buộc trách nhiệm của những người

tham gia.

Nguồn: Tuổi trẻ

Tin liên quan:

Tiếp tục cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu cá mực sang Nhật Bản

Cá mực Việt Nam có thể bị cấm sang Nhật

Phát hiện 127 lô tôm có chứa tạp chất



Báo cáo phân tích thị trường