Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO: Các doanh nghiệp trước vận hội mới
21 | 06 | 2007
Bình luận của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài: Cơ hội vẫn trội hơn thách thức. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn: Tại sao không nghĩ tới việc tiến ra nước ngoài?

 Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn: Tại sao không nghĩ tới việc tiến ra nước ngoài?

Chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn của nước ngoài, nhưng sân chơi cũng trở nên rõ ràng, minh bạch hơn bởi tất cả đều phải tuân theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, tôi cứ băn khoăn một điều, tại sao khi vào WTO, ai cũng nghĩ tới việc người ta sẽ nhảy vào và chiếm sân của mình? Tại sao không nghĩ tới việc mình sẽ nhảy sang sân của người ta, sẽ tiến ra nước ngoài?

Ông Trương Gia Bình,Tổng giám đốc Công ty FPT: Sẽ cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam sẽ vấp phải cuộc cạnh tranh quyết liệt liên quan đến nguồn nhân lực. Chúng tôi cũng đứng trước những cơ hội trong việc hợp tác, thu hút đầu tư mạnh hơn từ các đối tác của nước ngoài. Vào WTO cũng đồng nghĩa với việc được chứng nhận về vấn đề bản quyền, mà trước đó rất ít tập đoàn công nghệ cao muốn đầu tư lớn vào một quốc gia không tôn trọng bản quyền.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Vietcombank: Phải vận hành theo tiêu chuẩn mới

Vào WTO, tất cả các doanh nghiệp trong đó có các ngân hàng của Việt Nam sẽ phải vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế chứ không thể là các tiêu chuẩn riêng của Việt Nam. Đây sẽ là cú hích lớn đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, đặc biệt Vietcombank trong việc đẩy nhanh tốc độ cải cách. Tiến trình cổ phần hóa Vietcombank chắc chắn phải được đẩy mạnh hơn để tạo ra cơ chế vận hành mới phù hợp với sức ép của WTO.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á: 5 năm nữa mới có thể cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài

Trước khi Việt Nam vào WTO, các ngân hàng đã chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sắp tới như: liên tục tăng vốn điều lệ, mở rộng mạng lưới, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. 1 - 2 năm gần đây, các ngân hàng trong nước còn bắt tay với ngân hàng nước ngoài thông qua hình thức bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài, phía nước ngoài hỗ trợ về công nghệ, nghiệp vụ cho ngân hàng trong nước... Chúng tôi biết các ngân hàng nước ngoài đặc biệt quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam vì dân số cả nước hơn 80 triệu dân mà số lượng tài khoản mở ở ngân hàng chỉ có 5 triệu... Theo tôi, các ngân hàng trong nước phải mất 5 năm nữa mới đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng nước ngoài.

Bình luận của các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài: Cơ hội vẫn trội hơn thách thức

Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO rất thu hút sự chú ý của báo chí trên toàn cầu. Hầu hết các tờ báo uy tín đều cho rằng Việt Nam sẽ đạt được những bước tiến quan trọng trong tương lai gần, dù có những thách thức lớn nhưng cơ hội vẫn nhiều hơn.

Hãng tin Tân Hoa xã (Trung Quốc) phân tích: "Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ bùng nổ sau khi gia nhập WTO. Họ sẽ có cơ hội tăng cường xuất khẩu và thu hút thêm đầu tư từ 149 thành viên của tổ chức. Vào WTO, nước này sẽ được hưởng quy chế tối huệ quốc, cho phép sản phẩm của họ xâm nhập mạnh vào thị trường thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam sẽ không chịu hạn ngạch khi xuất sang EU và Mỹ. Khi xảy ra tranh chấp, các sản phẩm xuất khẩu như hải sản, gạo, cà phê, dệt may sẽ được bảo vệ bằng luật lệ của WTO. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 100 tỉ USD sau 5 năm nữa, gấp 3 so với năm ngoái". Theo Tân Hoa xã, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức: "Các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như gạo, cà phê, hạt điều sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu vì chất lượng chưa cao và thiếu những thương hiệu mạnh. Một số doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, sẽ phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài mạnh về tài chính, dày về kinh nghiệm".

Hãng tin AP cho rằng việc gia nhập WTO ngay trước thềm hội nghị APEC là một điều tuyệt vời cho Việt Nam vì nó sẽ thu hút sự chú ý của 21 lãnh đạo thành viên APEC và hàng ngàn doanh nhân trên khắp thế giới khi họ tới tham dự hội nghị. "Các công ty nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong việc xâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới", AP nhận định. Ngân hàng đầu tư Merill Lynch (Mỹ) đã gọi Việt Nam là đất nước "mua sắm nhiều nhất" tại châu Á và "sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với những đánh giá lạc quan nhất của chúng tôi". Nhiều tờ báo nước ngoài cũng cho rằng việc gia nhập WTO sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa hệ thống luật pháp về kinh doanh và đầu tư. (C.M.L tổng hợp)



H.Ly - M.Phương - T.Xuân (Thanhnien Online)
Báo cáo phân tích thị trường