Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tháo gỡ khó khăn cho rau an toàn
03 | 03 | 2009
Hà Nội hiện có 12.000ha trồng rau, trong đó mới có 2.105ha rau an toàn (RAT), chiếm 17,8%. Để từng bước đáp ứng nhu cầu của 7-8 triệu dân thành phố và 3-4 triệu khách lưu trú thường xuyên, UBND thành phố đang gấp rút hoàn thiện đề án mở rộng vùng sản xuất và tiêu thụ RAT. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, vẫn còn không ít băn khoăn từ phía những nông dân.

Khốn khổ vì rau

Người trồng rau nói chung và RAT nói riêng đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Vụ rau này, nhà chị Nguyễn Thị Tuyên, thôn Hòa Bình (Yên Nghĩa, Hà Đông) trồng hơn 2 sào RAT. Theo chị Tuyên, sau hơn 1 tháng trồng, thu hoạch 1 sào súp lơ được 1 triệu đồng, trong khi chi phí giống đã hết 350 nghìn đồng. Không những vậy, do quy trình sản xuất không cho phép sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, nên công chăm sóc RAT mất nhiều thời gian hơn so với rau thường. Bên ruộng cà chua, bà Văn Thị Đát cũng không giấu nổi lo lắng: Cà chua nhà tôi sắp được thu hoạch nhưng chưa có đơn vị nào đến hỏi mua. Cứ đà này, khéo lại phải gánh ra chợ bán như rau vụ trước thì lỗ vốn là cái chắc. HTX RAT Hòa Bình có hơn 11ha của 300 hộ xã viên. Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ nhiệm HTX cho biết: Vụ rau vừa qua là vụ đầu tiên HTX sản xuất RAT, tuy nhiên do chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm nên rau ế không tiêu thụ được, có mang ra chợ bán như rau thường cũng ít người mua vì họ chê rau không đẹp.

Chị Đỗ Thị Vũ Quỳnh, Chủ nhiệm HTX RAT Mạnh Quỳnh, xã Vân Nội, huyện Đông Anh cũng chung tâm sự: Trồng RAT đối với nông dân Thủ đô không phải là khó bởi họ đã có kinh nghiệm lâu năm, lại được các ngành chức năng quan tâm quy hoạch, tập huấn kỹ thuật và cử cán bộ giám sát, nhưng HTX vẫn không dám mở rộng diện tích bởi lo không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Chi phí nhiều song giá bán chưa được thị trường chấp nhận. Anh Nguyễn Văn Hào, xã viên HTX Tiền Lệ, Hoài Đức than phiền: Giá rau rẻ quá nên RAT càng khó bán. Chi phí để trồng 1 sào RAT thường nhiều hơn khoảng 30% so với rau thường song khi bán nếu chênh lệch giá lên 30% so với rau thường thì rất khó bán. Từ 2,5ha RAT hiện nay, HTX Tiền Lệ dự định sẽ mở rộng diện tích thành 31ha. Tuy nhiên, đang trong tình cảnh rau ế ẩm thế này, xã viên không khỏi lo lắng!

Gỡ khó cho người trồng RAT

Để tháo gỡ khó khăn cho RAT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đang xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho cây rau. Theo dự thảo đề án thì tới năm 2015, bên cạnh việc duy trì và quản lý chặt chẽ chất lượng hơn 2.000ha RAT hiện có, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển thêm 800-1.000ha RAT/năm ở những vùng sản xuất tập trung; phấn đấu đến năm 2015, diện tích RAT ở Hà Nội đạt 8.500-10.000ha, sản lượng 600.000-700.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu rau xanh của Hà Nội. Trong đó, giai đoạn 1, từ 2009-2010, thành phố sẽ xây dựng 2 vùng rau, trong đó 1 vùng tại Văn Đức (Gia Lâm) rộng 171ha và 1 vùng điểm dự kiến tại huyện Chương Mỹ, với kinh phí khoảng 95,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2, từ năm 2011-2015 thành phố sẽ xây dựng 36 vùng rau trên diện tích hơn 1.000ha với tổng kinh phí khoảng hơn 563 tỷ đồng. Bên cạnh việc quy hoạch các vùng rau tập trung, thành phố sẽ mở các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và xây dựng hệ thống cung ứng vật tư, cơ sở chế biến tiêu thụ RAT. Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Để tháo gỡ đầu ra cho RAT, thành phố sẽ thành lập các HTX, hiệp hội sản xuất, tiêu thụ RAT nhằm tạo mối liên kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người sản xuất và người kinh doanh rau. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến và tiêu thụ RAT. Theo đó, tại Hà Nội sẽ có 8 điểm sơ chế RAT đặt tại các vùng chuyên canh rau có diện tích lớn với công suất 5-10 tấn/ngày và 5 cơ sở sản xuất công suất nhỏ 1-2 tấn/ngày. Ngoài ra, hệ thống tiêu thụ RAT cũng được triển khai rộng khắp dự kiến với khoảng 500 quầy bán rau tại các chợ, 150 cửa hàng cung cấp RAT tại các khu dân cư tập trung đông người, 100 siêu thị và 8 chợ đầu mối chuyên cung cấp RAT ra thị trường với kinh phí ước khoảng trên 64 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại cũng được đặt ra để góp phần đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ RAT; xây dựng 40 thương hiệu sản phẩm RAT; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về RAT cho người tiêu dùng… từng bước thay đổi nhận thức của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về RAT.



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường