Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quả chín trái mùa - cơ hội cho trái cây Việt Nam
05 | 08 | 2007
Ý tưởng kéo dài vụ vải được coi là việc làm không tưởng, bởi nghìn đời nay vải chỉ ra hoa, kết trái và chín vào đúng một thời điểm. Nhưng các nhà khoa học đã làm được và mở ra cơ hội phát triển mới cho trái cây Việt Nam.

Những điều không tưởng

Thường vào đầu tháng 6, khi những chùm vải lúc lỉu đang dần chín thì cũng là lúc người trồng vải cảm thấy lo lắng vì nỗi lo... được mùa. ^

Tại một số địa phương trồng nhiều vải như Hải Dương, Bắc Giang… người dân đã phải tự tìm cách sấy vải, bán sản phẩm vải khô với hy vọng giá bán sẽ cao hơn vải tươi. Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết tình thế. Bởi sấy khô vừa mất công, mất sức trong khi thực tế giá vải khô không cao hơn bao nhiêu, vì lực lượng thu mua loại vải này chủ yếu vẫn là các thương lái.

Bi kịch này của người nông dân đã buộc các nhà khoa học phải vào cuộc. Họ đặt ra mục tiêu phải tìm được những giống vải mới có thể thu hoạch sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời điểm chín chính vụ.

Ý tưởng kéo dài vụ vải được coi là không tưởng, bởi nghìn đời nay vải chỉ ra hoa, kết trái và chín vào đúng một thời điểm. Nhưng khó khăn lớn nhất, theo PGS-TS. Phạm Văn Côn - nguyên trưởng bộ môn rau - hoa - quả, Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội, cây ăn quả nói chung và cây vải nói riêng là loại cây lâu năm. Muốn tạo ra một giống mới sẽ phải mất trên 10 năm mới có thể phổ biến trong nhân dân. Vì vậy, đòi hỏi phải có những chuyên gia giỏi, điều kiện vật tư và kinh phí đầy đủ. Nhưng các nhà khoa học trong Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội đã tiến hành lựa chọn các cá thể ưu việt chín sớm, muộn khác nhau, tìm ra những cây có năng suất, phẩm chất tốt, từ đó chọn ra một giống mới, thời gian chín theo ý muốn. Nhờ vậy một số giống mới đã được nghiên cứu thành công như vải Hùng Long, vải lai Bình Khê, vải lai Yên Hưng... đã được tạo ra trong một thời gian ngắn hơn mức 10 năm.

Không chỉ có vải, các nhà khoa học còn áp dụng các kỹ thuật này cho cây nhãn, hồng, xoài... để có quả trái vụ.

Mơ về thương hiệu cây ăn quả Việt Nam

Việc chủ động về thời gian thu hoạch các loại cây ăn quả sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận và đáp ứng được đòi hỏi về chất lượng, thời gian cung cấp sản phẩm để xuất khẩu.

Khi trả lời việc cây vải và các loại cây ăn quả Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hay không, ông Côn cho rằng: "Muốn phát triển cây ăn quả để làm kinh tế lớn, một trong những khía cạnh của công nghệ là phải tạo ra được những giống đặc sản. Những giống này không chỉ bảo đảm về chất lượng, hình thức, trọng lượng, mà còn phải bảo đảm cung cấp số lượng ổn định". Ông Côn thấy tiếc cho nhãn lồng Hưng Yên, vải Thanh Hà đã không có được vị trí xứng đáng trên thị trường quốc tế… mà nguyên nhân chính là chưa chú trọng và làm tốt vấn đề thương hiệu.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là năng lực chế biến và bảo quản rau quả của Việt Nam không đáp ứng được đòi hỏi của các thị trường lớn, cộng với chưa khẳng định được thương hiệu, nên những mặt hàng này phải xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ… mang tên nước thứ hai (như Trung Quốc).

Cũng theo lời PGS -TS. Phạm Văn Côn thì nhiều nông dân trồng vải chưa biết tới những kỹ thuật và giống vải cho quả chín theo ý muốn, do người nông dân chưa có điều kiện tiếp xúc với thông tin...

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2004, kinh ngạch xuất khẩu của hàng rau quả Việt Nam chỉ đạt 30 triệu USD, bằng 14% so với năm 2004. Có một thực tế, Trung Quốc là thị trường nhập hàng rau quả Việt Nam với giá rẻ, sau đó bán lại cho thị trường châu Âu với giá cao hơn gấp nhiều lần.



(Nguồn tin: NTNN)
Báo cáo phân tích thị trường