Theo tính toán của nhà vườn, khi cam cho trái ổn định từ năm thứ ba trở người dân có thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, tăng gầp 10 lần so với một số cây trồng khác.
Nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, ngành NNPTNT, cùng với Hội Nông dân huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã vận động bà con nông dân xã Đông Phước A chuyển đổi diện tích vườn tạp, đất ruộng, cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cam sành, bước đầu mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Diệp Văn Hiển, một trong những nông dân đi đầu trong phong trào trồng cam sành ở ấp Phước Hưng, cho biết: "Gia đình tôi có 1,5ha đất canh tác, trước kia chỉ trồng chuối và một số loại cây như: Dâu, xoài, mận… cho thu nhập thấp, không ổn định. Khi thấy người dân ở một số vùng lân cận trồng cam sành đạt hiệu quả, nên tôi quyết định phá bỏ vườn tạp để chuyển sang trồng cam sành".
Với diện tích trên, ông Hiển trồng trên 4.000 cây cam sành, hiện cam đang thu hoạch đợt đầu tiên, năng suất ước đạt khoảng 7 tấn. Với giá bán tại vườn hiện nay từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, gia đình ông thu nhập trên 80 triệu đồng. Hiện toàn ấp Phước Hưng có hơn 90% diện tích cam sành, trong đó đa số đang cho trái và chuẩn bị cho trái.
Cùng ấp với ông Hiển có ông Diệp Út Chín vừa bán xong lứa cam đầu tiên không giấu được niềm vui. Với diện tích 1ha ông trồng gần 4.000 cây cam sành, vừa thu hoạch được 500kg, bán với giá 14.000 đồng/kg, dự kiến khoảng 20 ngày nữa sẽ thu hoạch lần 2 khoảng 8 - 9 tấn, với mức giá hiện nay, sau khi trừ chi phí lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Ông Chín phấn khởi nói: "Ngày trước, với diện tích trên làm ruộng một năm lãi 20 triệu đồng là mừng”.
Đối với người trồng cam, vài năm nay gần đây thị trường đầu ra tương đối ổn định và giá cả luôn giữ ở mức cao. Vào mùa thuận (từ tháng 8 đến tháng 11) giá cam dao động từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Còn mùa nghịch (tháng 2 đến tháng 6), giá cam luôn ở mức từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, có lúc lên đến 26.000 - 27.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phước A cho biết: "Phong trào trồng cam sành của Đông Phước A đang phát triển mạnh. Năm 2006, toàn xã chỉ có khoảng 137ha diện tích trồng cam sành thì đến nay đã lên đến 220ha, diện tích cho trái khoảng 60%".
Theo tính toán của nhà vườn, khi cam cho trái ổn định từ năm thứ ba trở người dân có thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, tăng gầp 10 lần so với một số cây trồng khác.
Theo Dân Việt