Theo đó, các hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp nếu muốn thông quan vẫn phải làm thủ tục đăng ký qua VFA mà hai điều kiện quan trọng là giá xuất phải phù hợp với giá công bố của hiệp hội tại thời điểm ký hợp đồng và thời hạn giao hàng không quá hai tháng kể từ ngày ký hợp đồng.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TPHCM cho rằng VFA ràng buộc thời hạn giao hàng là nhằm hạn chế việc một số doanh nghiệp ký hợp đồng có thời hạn giao hàng dài (thường gọi là giao xa) và đăng ký với VFA để “giữ chỗ” chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp mình.
Trong khi đó, một chuyên viên của VFA (không muốn nêu tên), lại cho biết việc hạn chế giao hàng xa là nhằm giảm bớt những rủi ro trong bối cảnh thị trường gạo thế giới nhiều biến động gây thiệt hại cho doanh nghiệp, cũng như phục vụ cho công tác bình ổn thị trường gạo trong nước và an ninh lương thực quốc gia.
Ngoài ra, trong quy chế mới này, VFA cũng ràng buộc nhà xuất khẩu gạo khi đăng ký hợp đồng phải “kèm báo cáo tồn kho và phải có số gạo tồn kho (thuộc sở hữu của thương nhân) tối thiểu 50% số lượng của hợp đồng đăng ký (không áp dụng đối với hợp đồng tập trung)”.
Theo VFA, trong tháng 7, cả nước xuất khẩu 443.381 tấn gạo, trị giá (tính theo giá FOB) là 175,626 triệu đô la Mỹ. Tính từ đầu năm tới hết tháng 7, lượng gạo xuất khẩu cả nước lên tới 4,1 triệu tấn, với kim ngạch 1,677 tỉ đô la Mỹ (số liệu của Bộ Công Thương là 4,23 triệu tấn với kim ngạch 1,955 tỉ đô la Mỹ, tăng 44% về sản lượng và 3% về kim ngạch so với cùng kỳ).
Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang nhích dần lên, trước các thông tin nhu cầu mua gạo của khách hàng nước ngoài tăng trở lại vào những tháng cuối năm nay, như Philippines nhập thêm 700.000 tấn gạo của Việt Nam, nâng sản lượng gạo mà nước này mua của nước ta lên 2,2 triệu tấn trong năm nay. Malaysia cũng mua thêm của Việt Nam 150.000 tấn gạo để dự trữ.
Do vậy trong quy chế đăng ký mới ban hành, VFA không đăng ký hợp đồng thương mại “bán cho thương nhân nước ngoài để thương nhân nước ngoài bán vào thị trường tập trung, điều khoản này phải ghi vào hợp đồng bán gạo của thương nhân”. Hay nói khác hơn là các doanh nghiệp Việt Nam không được bán gạo cho các nhà nhập khẩu mà những nhà nhập khẩu này có thể dùng gạo của Việt Nam để cạnh tranh bán vào các thị trường tập trung (các hợp đồng đấu thầu mua gạo của Chính phủ các nước) mà VFA đại diện Việt Nam tham gia đấu thầu.
(Theo Thời báo Kinh tế SG)