Sản lượng sắn (khoai mì) hàng năm của Thái Lan có tiềm năng lớn để đạt 40 triệu tấn trong vài năm tới trong một nỗ lực nhằm cân bằng cung cầu cho ngành sản xuất tinh bột lẫn năng lượng thay thế, theo Hiệp hội các Thương nhân Sắn Thái (TTTA).
Hiện nay, hàng năm Thái Lan chỉ sản xuất khoảng 21.060.000 tấn so với tổng nhu cầu trong nước và xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn. Nhu cầu đang tăng lên hàng năm cùng với sự tăng trưởng dân số và tiêu thụ năng lượng thay thế cao hơn.
"Nếu có thể tăng sản lượng từ 10-20% một năm, Thái Lan vẫn sẽ là nhà cung cấp sắn lớn nhất thế giới", chủ tịch TTTA là ông Seree Denworalak nói.
Hiện nay, hoạt động sản xuất tinh bột sắn tiêu thụ khoảng 12.000.000-13.000.000 tấn củ sắn mỗi năm, chiếm 60% tổng công suất. Các nhà sản xuất không thể hoạt động đủ công suất vì thiếu sắn. Vì vậy, sản xuất tinh bột sắn của Thái Lan đã giảm từ khoảng 7 - 8 triệu tấn cách đây xuống còn 4 triệu tấn hiện nay.
Nhu cầu thực sự cho sản xuất trong nước là hơn 40 triệu tấn sắn củ mỗi năm. Việc thiếu hụt lượng cung cấp có thể được giải quyết bằng cách nhập khẩu từ các nước láng giềng thông qua thương mại trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vốn sẽ có hiệu lực vào năm 2015.
Nếu có thể đạt được chỉ tiêu sản xuất, Thái Lan có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm kinh doanh toàn cầu về sắn. Tuy nhiên, chính phủ nên tập trung hơn vào phát triển dịch vụ hậu cần. Cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện nhập khẩu sắn từ Miến Điện, Campuchia, Lào và Việt Nam. Các nhà đầu tư Thái Lan nên xem xét việc thiết lập các nhà máy tinh bột ở các nước nói trên để mở rộng mạng lưới kinh doanh, theo hiệp hội.
Thái Lan đã là nơi cung cấp sắn lớn nhất thế giới của trong nhiều năm, với khối lượng xuất khẩu trung bình hàng năm là 4,2 triệu tấn, tiếp theo là Việt Nam với khối lượng xuất khẩu là 800.000 tấn và Indonesia với 300.000 tấn.
Thái Lan cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm bột sắn lớn nhất thế giới, bao gồm tinh bột, dạng viên và xắt lát, trung bình 6-7 triệu tấn mỗi năm. Hàng năm xuất khẩu của nước này đạt giá trị trung bình 2,1 - 2,2 tỷ USD.
Ông Seree cho biết khối lượng xuất khẩu của Thái Lan dự kiến sẽ giảm còn khoảng 7 triệu tấn trong năm nay so với 7,2 triệu tấn trong năm ngoái. Trong đó, sắn lát sẽ chiếm 4 triệu tấn và tinh bột khoảng 2,8 triệu tấn, giảm so với mức tương ứng 4,27 triệu tấn và 3 triệu tấn của năm trước.
Do nguồn cung cấp thấp hơn, giá tinh bột sắn sẽ ổn định hơn trong năm nay. Tính đến ngày 21 tháng 6, tinh bột sắn đã được chào giá 15,7 baht/kg, trong khi sắn lát đã được định giá là 5,5 - 6 baht/kg.
Nhu cầu thế giới về tinh bột sắn đang gia tăng hàng năm do nhu cầu ethanol tăng cao.
Trong tổng sản lượng sắn hàng năm là 21.060.000 tấn, 60% được sử dụng để sản xuất sắn lát và bột dạng viên, và phần còn lại là cho sản xuất tinh bột sắn. Tinh bột sắn được sử dụng trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, tạo vị ngọt, bột ngọt, dệt, giấy, ván ép và dược phẩm. Sắn lát và bột viên được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Cafef