Tiền mất, nợ mang
Còn nhớ cách đây vài năm, do tin vào những lời quảng cáo của DN mà hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mua hàng trăm tấn phân vi sinh hiệu Hudavil theo hình thức trả chậm của Công ty Đầu tư phát triển Buôn Ja Wầm (Đắk Lắk) về bón cho tiêu và càphê. Tuy nhiên, sau khi bón một thời gian, bà con mới “ngã ngửa” vì hiệu quả trái ngược với mong đợi. Cây trồng bị vàng lá rồi thối ngang gốc, sau đó chết rũ hàng loạt. Bà con lật đật đi hỏi người dân thôn khác thì mới biết những hộ dùng phân Hudavil cũng gặp cảnh tương tự. Thực tế là phân Hudavil mới được sản xuất thử nghiệm nhưng DN đã “xé rào” bán rộng rãi ra bên ngoài. Sau đó bà con xã Xuân Sơn đã kiện lên chính quyền, nhưng rốt cuộc chỉ nhận được lời xin lỗi từ phía DN với lý do “đã sơ ý phát nhầm tờ bướm”.
Tương tự, cách đây không lâu, mấy chục hộ dân ở xã Ia Tôr (Chư Prông - Gia Lai) cũng lao đao vì được Hội Nông dân xã bảo lãnh mua trả chậm hơn 150 tấn phân bón “Địa cầu xanh” do Công ty TNHH Xây dựng – thương mại và sản xuất Nam Thành (Ninh Thuận) sản xuất. “Sau khi bón phân, càphê bị chững lại, cành không phát triển và có dấu hiệu vàng lá. Suốt cả một mùa mà phân vẫn không tan hết. Thường thì với 2ha càphê gia đình tôi thu khoảng 8 – 10 tấn nhân nhưng năm đó chỉ thu được khoảng 3 tấn”, ông Huỳnh Minh Ý ở thôn 1, xã Ia Tôr cho hay.
Nhận thấy phân bón kém chất lượng nên bà con Ia Tôr không thanh toán tiền cho Công ty Nam Thành. Kết quả là DN này đã kiện ra Toà án nhân dân huyện Chư Prông khiến một cán bộ của Hội Nông dân, người đứng bảo lãnh cho bà con, phải đền bù thiệt hại hơn 50 triệu đồng.
Con kiến kiện củ khoai?
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, luật sư Huỳnh Văn Nông (Công ty TNHH Sài Gòn Luật) cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi buôn bán, sản xuất phân bón giả là vi phạm pháp luật và cần phải bị xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm mà các đơn vị sản xuất, buôn bán phân bón giả có thể bị xử phạt hành chính từ 600.000 đồng đến 40 triệu đồng (Điểm b, Khoản 7, Điều 24, Nghị định 06/2008/NĐ-CP của Chính phủ) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu cho rằng đã mua phải phân bón giả, người nông dân nên làm đơn tố cáo đại lý đã bán hàng (và cả cơ sở sản xuất nếu biết được) về hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 25, Nghị định 55/2008/NĐ-CP của Chính phủ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận đơn tố cáo của người dân. Trường hợp cơ quan chức năng xác định có dấu hiệu cấu thành tội phạm và khởi tố vụ án hình sự, nông dân có thể đề nghị tòa án buộc các đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại. Trường hợp các cơ quan chức năng xác định hành vi sản xuất, mua bán phân bón giả chỉ bị xử phạt hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và không khởi tố vụ án hình sự thì nông dân vẫn có thể gửi khiếu nại đến DN sản xuất và đại lý để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, để kiện được các DN là chuyện không đơn giản bởi các DN làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng rất tinh vi. Phân bón giả cũng có nhiều kiểu khác nhau, giả ở nhiều phân đoạn khác nhau. Nhà chức trách muốn tìm ra cách làm giả đã khó, phạt còn khó hơn (vì chưa có quy định chi tiết). Trong khi bà con mua phân bón về là cứ thế bón hoặc tưới vì tin tưởng người bán, mà nếu không tin thì cũng chẳng biết phải làm thế nào để kiểm tra thật – giả.
Theo ông Hoàng Văn Ngoan, Ban Tuyên huấn (Trung ương Hội Nông dân), điều khó nhất là việc giám định thiệt hại. Bà con muốn được bồi thường 100 triệu đồng thì phải chứng minh thực tế đúng là bị thiệt hại 100 triệu đồng. Song để làm được điều này, bà con phải thuê bên thứ ba giám định - việc không dễ và chi phí đắt đỏ. Hơn nữa, nông dân lại không có thói quen lấy hoá đơn khi mua hàng - một bằng chứng quan trọng để chứng minh trước toà.
Lẽ nào, nông dân muốn kiện DN làm ăn gian dối lại khó như “con kiến kiện củ khoai”?
Theo KTNT