Thời tiết khắc nghiệt và lượng mưa không thể dự đoán trước, cùng với những nhận định về biến đổi khí hậu, đang ảnh hưởng đến mùa vụ nông sản toàn cầu và một vài chính phủ đã ban hành một số hạn chế giao thương thực phẩm. Năm ngoái, Nga đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ khi hạn hán nghiêm trọng diễn ra.
Tại Tanzania, các lệnh hạn chế xuất khẩu – thường được ban hành hàng năm – đã được ban hành sớm hơn thường lệ tron gnawm nay do nhu cầu thực phẩm tăng cao khắp châu Phi và những lo ngại ngày càng lớn về nạn đói trong nước.
Trong những năm gần đây, các lệnh cấm xuất khẩu thực phẩm bởi các nhà chức trách địa phương và khu vực Tanzania diễn ra trong khoảng tháng 8, khi sản lượng cung các mùa vụ đã lộ rõ và tình hình thiếu hụt thực phẩm tại Tanzania, cũng như các nước láng giềng, đã được nhận định chắc chắn.
Trong năm 2011, lệnh cấm được ban hành trong tháng 7, trước cả khi bắt đầu thu hoạch mùa vụ.
Nông dân nhỏ lẻ chịu tác động mạnh
Lệnh cấm này ảnh hưởng đến những nông dân nhỏ lẻ, vốn chỉ bán phần sản phẩm dôi dư trực tiếp qua biên giới.
Chính phủ Tanzania sẽ tiếp tục giao thương các mặt hàng lương thực thực phẩm với các nước khác nhưng lệnh cấm nhắm đến việc ngăn chặn nạn buôn lậu các loại ngũ cốc trên diện rộng vào thị trường chợ đen tại Kenya.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Maghembe của Tanzania, lệnh cấm xuất khẩu nhằm giúp chính phủ có đủ thời gian để đánh giá nguồn thực phẩm hiện có, qua đó đảm bảo an ninh lương thực.
Do cuộc khủng hoảng lương thực tại các quốc gia láng giềng đang ngày càng tồi tệ, 16 địa phương, trong tổng số 29, của Tanzania đã ban hành tình trạng thiếu lương thực do tình trạng ít mưa và hạn hán hoành hành tại các khu vực sản xuất lương thực chính như Mbeya và Iringa.
Theo những dự đoán của chính phủ Tanzania, sản lượng ngũ cốc niên vụ 2010 – 11 của nước này sẽ đạt khoảng 6,78 triệu tấn, đẩy thâm hụt cung – cầu ngũ cốc của nước này lên 410 ngàn tấn. Trong khi đó, niên vụ 2009 – 10, nước này đã có thặng dư cung – cầu ngũ cốc đạt 300 tấn.
Mặc dù đạt thặng dư cung – cầu lớn đối với các mặt hàng nông sản ngoài ngũ cốc, hầu hết người dân nước này vẫn phải phụ thuộc vào ngũ cốc với tư cách là loại lương thực tiêu dùng chính. Do đó, với bất cứ trường hợp nào, tình trạng thâm hụt diễn ra, nghĩa là nước này thiếu hụt lương thực.
Nạn buôn lậu tăng cao
Bộ trưởng Nông nghiệp Tanzania cho biết tình trạng thiếu lương thực và mối đe dọa của nạn đói tại các quốc gia láng giềng đang làm dấy lên tình trạng buôn lậ lương thực, đặc biệt là ngũ cốc, qua biên giới.
Giá ngô tại Nairobi, thủ đô Kenya, vọt từ mức 206 USD/tấn trong tháng 1/2011 lên 458 USD/tấn vào cuối tháng 6, tương đương tăng 120%. Ông Maghembe cho biết Kenya cũng đã công bố sản lượng lương thực giảm 1,3 triệu tấn trong niên vụ này.
Tại ngôi làng Iyula, thuộc Mbeya, Dar es Salaam 860km về phía Tây Nam, ngô được bán ở mức giá 154 USD/tấn trong thời kỳ nhu cầu đạt đỉnh và giảm mạnh trong suốt thời kỳ thu hoạch.
Theo Watson Kapale, một nông dân tại Iyula, hiện chính phủ vẫn chưa trợ cấp giá phân bón cho vụ này, nghĩa là nhiều nông dân phải đối mặt với tình trạng lỗ khi bán ngô tại các thị trường địa phương. Do vậy, những người nông dân đều muốn bán cho các thương lái trên thị trường quốc tế, chủ yếu là tại Đông và Trung Phi.
Khi lệnh cấm có hiệu lực, một số nông dân đang buôn lậu các mặt hàng lương thực qua biên giới, chủ yếu là sang Kenya.
Một số thành viên Quốc hội Tanzania, đặc biệt là từ các khu vực sản xuất ngô chính của nước này, phản đối lệnh cấm của chính phủ và cho rằng lệnh cấm này phân biệt đối xử với những nông dân nhỏ lẻ, phân lớn không nhận được hỗ trợ từ chính phủ.
Cơ quan dự trữ lương thực quốc gia thanh toán giá ngũ cốc ở mức 215 USD/tấn cho nông dân, cao hơn giá tại các thị trường địa phương, nhưng sản lượng thu mua chỉ đạt 200 ngàn tấn/năm, chiếm chưa đầy 3% tổng sản lượng ngũ cốc
Tuy nhiên, Bộ trưởng về hợp tác Đông Phi của Tanzania, Samwel Sitta, tán thành lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc, cho rằng lệnh cấm này không vi phạm thỏa thuận đạt được bởi Cộng đồng các quôc gia Đông Phi về vấn đề thị trường chung do lệnh cấm này nhắm đến hoạt động buôn lậu, không phải hoạt động giao thương hợp pháp.
Chính phủ Tanzania đang kêu gọi các quốc gia láng giềng có nhu cầu lớn về lương thực đàm phán trực tiếp theo các thỏa thuận quốc tế hợp pháp, thay vì phụ thuộc vào hoạt động buôn lậu bất hợp pháp.
Gần đây, Somalia trở thành nước đầu tiên bị nạn đói tấn công, đã có thỏa thuận với chính phủ Tanzania về lượng 300 tấn ngô được nhận.
Kim Dung AGROINFO
Theo trust.org