Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà tăng trưởng
04 | 11 | 2011
Đến hết quý III, XK thủy sản của Việt Nam vẫn tăng trưởng bất chấp tình trạng khủng hoảng nợ công ở Châu Âu – thị trường NK thủy sản số 1 của Việt Nam - đang đe dọa nền kinh tế thế giới.

Chín tháng đầu năm nay, giá trị XK thủy sản Việt Nam đạt 4,3 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 2 mặt hàng thủy sản chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra đã đạt lần lượt 1,6 tỷ USD và 1,3 tỷ USD. Các mặt hàng như cá ngừ, nhuyễn thể và một số sản phẩm khác cũng đều tăng trưởng trong 9 tháng qua.

XK tôm của Việt Nam tính đến cuối tháng 9 vẫn tiếp tục tăng trưởng cao ở hầu hết các thị trường cho dù thị trường NK chính là Nhật Bản đã “giáng một đòn” vào ngành tôm Việt Nam khi quyết định kiểm tra 30% mặt hàng tôm NK từ Việt Nam sau khi nhà chức trách nước này phát hiện chất Enrofloxacin trong lô hàng thủy sản xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan - mặc dù cho đến thời điểm đó chưa có lô hàng thủy sản nào của Việt Nam bị Nhật cảnh báo chứa Enrofloxacin.

Việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra chất Enrofloxacin trong tôm Việt Nam NK vào Nhật Bản khiến nhiều DN lo ngại và đã giảm dần lượng hàng XK sang thị trường này, cùng với nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nhật Bản đối với mặt hàng xa xỉ này cũng giảm dần sau thảm họa động đất xảy ra hồi quý 1 năm nay đã khiến Nhật Bản phải nhường ngôi vị “quán quân” cho Mỹ về NK tôm của Việt Nam.

Mỹ vươn lên dẫn đầu về NK tôm của Việt Nam, cùng với phán quyết cuối cùng hồi tháng 7 vừa qua của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nêu rõ việc Mỹ áp dụng phương pháp quy về 0 để tính thuế chống bán phá giá là vi phạm quy định của WTO đã tiếp thêm sức mạnh cho các DN tôm Việt Nam trong thời buổi kinh doanh đầy khó khăn vì không chỉ phải cạnh tranh với các nước khác XK tôm mà còn đối mặt với nhiều vấn đề trong sản xuất nội địa.

Giá tôm Việt Nam XK vào Mỹ cao nhất trong các thị trường chính NK tôm của Việt Nam, trung bình từ 11-12 USD/kg, cao hơn 15-30% so với cùng kỳ năm 2010. Giá tôm XK tăng cao nhưng nhiều DN vẫn chưa vui vì lợi nhuận không cao, có khi chỉ hòa vốn hoặc thậm chí lỗ do chi phí sản xuất tăng 30 - 40%.

Các chi phí đầu vào tăng như giá tôm nguyên liệu tăng 30 -50%, trong đó giá tôm chân trắng từ 50 - 60 nghìn đồng/kg tăng lên 85 nghìn đồng/kg (loại 100 con/kg), giá tôm sú loại 20 con/kg từ 200 nghìn đồng/kg tăng lên 260 - 280 nghìn đồng/kg, giá thức ăn cho tôm và giá điện tăng 15%, giá xăng dầu tăng gần 20%, lãi suất ngân hàng 22-23%, lương lao động tăng 10 - 20%… Tình trạng khó khăn này không chỉ với ngành hàng tôm mà còn của cả ngành hàng cá tra và các ngành hàng thủy sản khác. Điều đáng nói là giá thức ăn chăn nuôi tăng “vô tội vạ” đã làm tổn hại nhiều tới người nuôi cá tra và tôm.

XK cá ngừ trong 9 tháng đầu năm nay đạt giá trị 284,7 triệu USD tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường chính NK cá ngừ của Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao, trong đó Nhật Bản tuy đứng thứ 3 nhưng lại là thị trường tăng trưởng cao nhất 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 34,7 triệu USD, chiếm 12,2% tỷ trọng giá trị XK cá ngừ Việt Nam. Mỹ chỉ tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại là thị trường lớn nhất NK cá ngừ của Việt Nam, đạt 132,6 triệu USD, chiếm 46,6% tỷ trọng. EU là thị trường lớn thứ 2 NK cá ngừ của Việt Nam, chiếm 18,5% tỷ trọng với giá trị đạt 52,5 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái – đây là mức tăng thấp nhất trong 3 thị trường chính NK cá ngừ của Việt Nam.

XK nhuyễn thể 9 tháng đầu năm đạt giá trị 420,1 triệu USD tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó XK mực, bạch tuộc tăng 31,8% đạt 359,7 triệu USD; XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm 8,6% đạt 60,4 triệu USD. XK nhuyễn thể 2 mảnh vỏ giảm do thiếu nguyên liệu trong khi thực tế nhu cầu của thị trường thế giới không hề sụt giảm. Thị trường lớn nhất NK mực và bạch tuộc của Việt Nam là Hàn Quốc đạt giá trị 123,9 triệu USD tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp đến EU 85,4 triệu USD tăng 30% và Nhật Bản 83,5 triệu USD tăng 16%. Nhật Bản, EU và Hàn Quốc hiện chiếm gần 80% tỷ trọng XK mực và bạch tuộc của Việt Nam.

EU, Nhật Bản và Mỹ hiện chiếm trên 55% tỷ trọng XK thủy sản của Việt Nam, tuy kinh tế của cả 3 thị trường này đều đang trong tình trạng bất ổn, đặc biệt là EU và Mỹ. Nền kinh tế Nhật Bản có khả quan hơn và đang tiếp tục phục hồi tăng trưởng từ sau thảm họa hồi tháng 3, tuy nhiên Chính phủ Nhật Bản vẫn lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ tiềm ẩn và đang có nhiều động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bình ổn đồng nội tệ khi khủng hoảng nợ ở Châu Âu đã khiến giới đầu tư toàn cầu mạnh tay gom mua những đồng tiền như yên Nhật hay franc Thụy Sỹ để tìm kiếm sự an toàn, đẩy tỷ giá những đồng tiền này tăng mạnh. Sự bất ổn của 3 nền kinh tế lớn này sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đến XK thủy sản của Việt Nam trong quý cuối cùng của một năm kinh doanh đầy khó khăn của các DN thủy sản Việt Nam.

 Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường