Đó là thông tin được ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Công ty Cá tầm VN cung cấp tại cuộc gặp gỡ báo chí với các hiệp hội và doanh nghiệp nuôi cá tầm sáng 7.7. Ông khẳng định các chợ thực phẩm lớn, siêu thị và ngay cả hệ thống phân phối Metro tại miền Bắc phần lớn bán cá tầm nhập lậu.
Cụ thể hơn, ông Đức cho biết dựa vào một điều tra riêng thì Metro ở khu vực phía bắc nhập hàng từ 50 - 70 tấn cá tầm mỗi tháng nhưng khu vực này hiện có sản lượng cá tầm nội địa không quá 30 - 40 tấn. Ông cho biết thêm rằng cá tầm tại Metro có thể có giấy tờ xuất xứ từ Lào Cai, nhưng các trang trại nuôi cá ở đây lại chẳng hề nuôi.
Ngoài ra, để khẳng định không có chuyện cá tầm miền Nam mang bán ra tại siêu thị miền Bắc, ông Đức cũng cho biết từng lên một trang trại nuôi cá tầm ở Bắc Giang. Trang trại này chỉ có vài chục khối nước (đủ nuôi vài chục con cá tầm) nhưng 1 ngày vẫn viết hóa đơn xuất 3 - 5 tấn cá tầm.
Cùng quan điểm, người cung cấp giống cá tầm duy nhất tại miền Bắc là ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty Việt Đức, cho biết: “Tôi cùng với chuyên gia người Đức đã quan sát bể cá tầm của Metro, tôi khẳng định đấy là cá Trung Quốc, vì đây là giống cá lai. Con đường vận chuyển rất dài, cá bị xây xước, phần bụng mỏng, có 2 vệt máu từ trên xuống, cá VN quãng đường vận chuyển ngắn không xước như thế”, ông Cử nói.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 7.7, ông Khuất Quang Hưng, đại diện truyền thông của Metro, khẳng định cá tầm trong kho của Metro có nguồn gốc xuất xứ và chứng từ đầy đủ, phân phối trong các trung tâm của Metro đều là cá tầm của VN.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, cho biết mỗi ngày các công ty nuôi cá tầm VN có thể cung cấp 2 - 3 tấn cá tầm thương phẩm ra thị trường nhưng mức tiêu thụ hiện từ 10 - 16 tấn mỗi ngày.
Vì thế, ông Hào nhận định: “Số lượng cá tầm này rõ ràng là nhập lậu, không qua kiểm dịch hay bất cứ quy trình kiểm tra, kiểm soát nào”. Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý của VN thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites), cũng khẳng định cơ quan này chưa hề cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào.
Thiếu cơ sở pháp lý
Không chỉ bị cá nhập lậu làm khó, việc nuôi cá tầm nội địa được cho là đang thiếu cơ sở pháp lý do những chậm trễ trong quy định của Bộ NN-PTNT. VN đã có 27 loại cá tầm được nuôi, nhưng trong Quyết định 57 ban hành năm 2008 của Bộ NN-PTNT quy định về danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh thì chỉ có duy nhất loại cá tầm Trung Hoa.
Ông Trần Văn Hào cho biết Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng đã có kiến nghị bằng văn bản lên Cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT đề nghị bổ sung thêm danh sách. Thế nhưng, ông “không hiểu khó khăn gì mà dù đã nuôi cả chục năm nay trong nước, cá tầm có xuất xứ từ Nga lại vẫn không có trong danh mục của Quyết định 57”.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, do trước đây VN không có giống cá tầm nên Quyết định 57 chỉ cho phép nuôi chính thức 1 loài có giá trị rất thấp là cá tầm Trung Hoa. Các doanh nghiệp hiện nay nuôi các giống cá tầm khác trong quy mô thử nghiệm, nếu phát tán ra về luật là vi phạm vì không có văn bản quy định giống lưu hành trong nước.
Cách phân biệt cá tầm lậu
Các đơn vị nuôi trong nước phần lớn nuôi cá tầm Osetra (Nga) có màu vàng óng ở dưới bụng cá, mũi dài nhưng mình tròn tù, không nhọn. Mình cá có vây dạng gai, trải dài cả xương sống và hai bên hông cá. Cá Trung Quốc là loại cá lai, mình thon dài, gai lưng không nhọn, mũi cá dài, nhọn, bụng đen, xám nhạt hoặc trắng. Nếu đến ăn tại các nhà hàng, hoặc mua ở siêu thị, người tiêu dùng có thể đòi hỏi mã truy xuất nguồn gốc cho tất cả các sản phẩm cá tầm nguyên con.
|
Theo Mai Hà