Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng chất, tăng giá trị cà phê Việt
27 | 11 | 2017
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, tuy nhiên, chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng đang là thách thức rất lớn cho ngành cà phê. Đẩy mạnh tái canh, đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị sản phẩm là vấn đề đặt ra cho cà phê Việt.

Xuất khẩu cà phê tháng 10/2017 ước đạt 71.000 tấn với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,17 triệu tấn và 2,69 tỷ USD, giảm 22,7% về khối lượng và giảm 2,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam - cho biết: Mặc dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến tăng cao, do đó, giá trị xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm không giảm so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng ta đã đẩy mạnh được khâu chế biến, xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan nên giá trị tăng gấp đôi so với xuất khẩu cà phê nhân. Dự báo, năm 2017, sẽ xuất khẩu được 1,3 triệu tấn và giá trị đạt 3 tỷ USD” - ông Lương Văn Tự nói.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về giá cà phê do năng suất cao, nhưng đang phải đối diện với tình trạng nhiều vườn cà phê già cỗi. Để phát triển ngành cà phê bền vững, ông Lương Văn Tự cho rằng, Việt Nam cần có những giải pháp mang tính đột phá để giữ được vị trí là quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Theo đó, quan trọng nhất là phải triển khai mạnh mẽ chương trình tái canh, thay thế các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp. Lượng cà phê cần tái canh trong 5 năm tới lên đến 160.000 ha, trong khi tiến độ tái canh tại các tỉnh Tây Nguyên diễn ra chậm, trừ tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, phải ưu tiên phát triển giống năng suất cao, chất lượng tốt.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hòa tan và các sản phẩm khác để nâng giá trị sản phẩm; hướng đến mục tiêu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt con số 6 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong nước là vốn. Đưa ra lời khuyên đối với doanh nghiệp có tiềm lực yếu, ông Tự cho rằng, các doanh nghiệp này nên hướng vào rang xay vì vốn đầu tư sẽ ít hơn. “Hiện,60% tiêu dùng của thế giới vẫn là cà phê rang xay. Tại Đà Lạt, một số doanh nghiệp cà phê tuy nhỏ nhưng rang theo tiêu chuẩn của khách hàng châu Âu, mỗi tháng có thể xuất khẩu 1- 2 container, như vậy vốn đầu tư không lớn” - ông Tự cho biết.

Ngoài việc đẩy mạnh tái canh, đầu tư chế biến, theo các chuyên gia, để bảo đảm phát triển bền vững, ngành cà phê cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước lên 20 - 30%. Đồng thời, nâng cao chất lượng cà phê nhân trong khâu thu, hái cà phê chín đạt trên 80%...

Thanh Hà (Báo Công Thương)



Báo cáo phân tích thị trường