“Chúng tôi đặt mục tiêu huy động khoảng 30 tỷ Baht từ trái phiếu và dùng số tiền này để đền bù cho nông dân, khuyến khích họ giảm sản xuất, đồng thời một khoản tiền cũng được dùng làm vốn ban đầu cho Cơ quan Cao su Thái Lan vận hành hoạt động”. Bộ Nông nghiệp Thái Lan đang có kế hoạch bơm một phần tiền huy động từ trái phiếu vào cơ quan chịu trách nhiệm về ngành cao su Thái Lan. Trách nhiệm chính của cơ quan này là theo dõi diễn biến ngành cao su, tham gia vào điều tiết hoạt động sản xuất, tập huấn các kỹ năng cho nông dân để tăng năng suất và can thiệp vào thị trường nếu cần. Bộ Nông nghiệp Thái Lan đang đàm phán với Bộ Tài chính về quy trình phát hành trái phiếu và hai bộ được cho là sẽ sớm đạt đến kết luận cuối cùng.
Để giảm nhẹ tình trạng dư cung và hỗ trợ giá cao su, chính phủ Thái Lan trước đó đã trợ cấp tiền mặt cho những nông dân được khuyến khích giảm diện tích trồng cao su với diện tích giảm lên tới khoảng 64.000ha. Nhưng kế hoạch này đã không giúp đẩy giá cao su tăng. Bộ Nôn gnghiệp nhận định rằng cần có các giải pháp toàn diện hơn, giúp hoạt động sản xuất cao su trở nên bền vững hơn. Thái Lan là nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới hiện nay.
Giá mủ tờ cao su chưa xông khói, là mặt hàng mà nông dân bán cho các nhà máy cao su, giảm xuống còn 48 Baht/kg từ mức cao kỷ lục 180 Baht/kg hồi năm 2011. Mục tiêu hiện nay của chính phủ Thái Lan là đẩy giá cao su lên 80 Baht/kg. Giá cao su ở mức cao trước đây đã khuyến khích không chỉ nông dân Thái Lan mà còn nông dân tại Campuchia, Ấn Độ, và Việt Nam tăng trồng cao su. Sự mở rộng nguồn cung này dẫn đến tình trạng dư cung trên diện rộng và đẩy giá cao su giảm xuống mức như hiện nay.
Trong vài năm qua, giá cao su giảm đã châm ngòi cho hàng loạt các cuộc biểu tình của nông dân Thái Lan. Nhưng chính quyền quân sự Thái Lan hiện có một chính sách rõ ràng là không trợ cấp trực tiếp cho nông dân nhằm tránh việc nông dân kỳ vọng được hỗ trợ tài chính bất cứ khi nào giá giảm. Quan điểm của chính phủ Thái Lan hiện nay là những chính sách trợ cấp như vậy làm giảm động lực cải thiện hiệu quả hoạt động của nông dân, như giảm chi phí. “Chúng tôi hướng đến việc tìm ra một mô hình kinh doanh (cho cơ quan quản lý ngành cao su) vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4, tìm cách tạo ra lợi nhuận để sử dụng cho các chính sách khuyến khích nông dân giảm nguồn cung”, ông Grisada cho hay.
Theo Nikkei Asia (gappingworld.com)