Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn Độ thúc đẩy phát triển nuôi tôm sú để đa dạng hóa xuất khẩu
23 | 06 | 2018
Tôm sú được cho là giải pháp để Ấn Độ đa dạng hóa xuất khẩu thủy sản. Ông A Jayathilak, chủ tịch Cơ quan Phát triển Xuất khẩu thủy sản biển (MPEDA) cho biết, Ấn Độ sẽ tập trung vào nuôi tôm sú để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa xuất khẩu. Tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ trọng chi phối, lên tới 70% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trị giá 5,64 tỷ USD của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4/2017 – 1/2018.

“Nỗ lực này sẽ khôi phục hoạt động nuôi tôm sú sau 2 thập kỷ và chắc chắn sẽ mang lại doanh thu lớn, do nhu cầu và giá tôm sú đều rất cao trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Nhật Bản và EU”, ông nhấn mạnh. Tôm thẻ chiếm tỷ trọng áp đảo trong nuôi tôm tại Ấn Độ, trong khi tôm sú chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bé. Trước đây, nguồn cung tôm sú tại Ấn Độ chủ yếu từ khai thác biển và chưa được nuôi. Trong khi đó, tôm thẻ là loài dễ nuôi và có tính kinh tế cao, trở thành ngành thủy sản nuôi lớn tại Ấn Độ trong 10 năm qua.

Năm 1996, MPEDA, hợp tác với Oceanic Institute of Hawaii tại Mỹ, bắt đầu triển khai Trung tâm nhân giống tôm thẻ đầu tiên tại Andhra Pradesh, chuyên bán tôm giống cho các cơ sở nuôi ấp trên khắp Ấn Độ. MPEDA kỳ vọng có thể thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản thông qua đưa vào hoạt động trung tâm nuôi ấp đa loài đầu tiên tại Vallarpadam, Kochi thuộc bang Kerala.

Tổ hợp Nuôi trồng Thủy sản Đa loài có công suất sản xuất 2 triệu con giống của 6 loài thủy sản nuôi thương phẩm quan trọng, bao gồm tôm sú, cá vược châu Á, cá nục, cá giò, cá rô phi nuôi cải tạo gene và cua bùn. “Tổ hợp nuôi ấp này có công suất sản xuất 20 triệu tôm sú giống sạch bệnh, giúp khôi phục hoạt động nuôi tôm sú tại bang Kerala sau 2 thập kỷ gián đoạn và giúp cải thiện doanh thu của nông dân nuôi thủy sản do nhu cầu đối với tôm sú chất lượng cao trên thị trường thế giới rất cao”, theo chủ tịch MPEDA A Jayathilak cho hay.

MPEDA cho rằng một trong những rào cản lớn nhất của sự kém phát triển ngành nuôi tôm sú tại Ấn Độ là do thiếu con giống sạch bệnh. Ngành nuôi tôm sú từng phát triển tại Ấn Độ đến năm 1994 – khi dịch bệnh đốm trắng bùng phát làm giảm mạnh năng suất nuôi tôm sú. Năm 2009, tôm thẻ được giới thiệu cho ngành nuôi thủy sản ven biển Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm sú hiện đang có nhu cầu cao tại các thị trường châu Âu và Nhật Bản và có thể mang lại thu nhập cao hơn 20% cho người sản xuất.

Toàn bộ tổ hợp nuôi ấp đảm bảo sinh học này có các trang thiết bị cần thiết như các hồ chứa, các nhà lọc nước, các phòng thí nghiệm vi tảo, khu vực bổ sung dinh dưỡng, khu vực nuôi tôm thương phẩm, khu vực nuôi ấu trùng và khu vực chăm sóc sau ấu trùng, và một hệ thống xử lý chất thải. Một khu vực kiểm dịch để thu thập tôm giống tự nhiên sạch bệnh cũng sẽ sớm được triển khai.

Các số liệu thống kê chính thức cho thấy trong năm tài khóa 2015-2016, Ấn Độ đã sản xuất 490.000 tấn tôm thẻ và xuất khẩu tôm thẻ tăng lên 570.000 tấn trong năm 2016-17 và 700.000 tấn trong năm 2017-18. Với tổ hợp nuôi thủy sản mới này, MPEDA kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 1 triệu tấn trong năm tài khóa hiện tại.

Theo FIS (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường