Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CP thúc đẩy thương mại tôm thẻ với Trung Quốc, nỗ lực phát triển sản xuất tôm sú, kỳ vọng sản xuất cỡ tôm lớn nhất thế giới
29 | 06 | 2018
Công ty kinh doanh nông nghiệp lớn của Thái Lan Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đang nuôi tôm thẻ cỡ lớn hơn rất nhiều nhờ cải thiện trong hoạt động sản xuất sau thời gian dài giải quyết vấn đề dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). CP Foods, công ty niêm yết đóng góp 45 tỷ USD vào doanh thu của CP Group, cũng đang hướng đến quay trở lại nuôi tôm sú, theo thông tin từ ông Sujint Thammasart, giám đốc điều hành hoạt động mảng nuôi trồng thủy sản của công ty cho biết.

Nguyên nhân chính khiến CP tập trung vào phân khúc tôm cỡ lớn là để phục vụ thị trường Trung Quốc. “Chắc chắn Trung Quốc là thị trường tôm chính cho Thái Lan”. Giữa giai đoạn khó khăn của ngành tôm Thái Lan, khi các nhà chế biến đã ra giá tối thiểu cho nông dân, Thái Lan phải tìm cách khác biệt hóa. Ngành tôm Thái Lan phải nuôi tôm cỡ lớn và tiếp tục các quy trình an toàn thực phẩm vững chắc, để đáp ứng nhu cầu tôm tại Trung Quốc, ông Thammasart nhấn mạnh. Hiện công ty có 3 nhà máy chế biến thực phẩm tại Thái Lan đang tập trung cung ứng tôm thẻ cỡ lớn cho thị trường Trung Quốc ở dạng thô và chế biến, nguyên đầu, theo thông tin từ ông Somchai Triamchaipisut, một nhà quản lý cấp cao khác của CP Foods cho hay tại sự kiện Thaifex – World of Food Asian gần đây.

“Thái Lan sẽ đáp ứng mọi tiêu chuẩn đối với tôm cỡ lớn trên thị trường thế giới. Chúng tôi sẽ phải đi theo hướng này để tồn tại. Nếu chúng tôi tập trung sản xuất tôm cỡ nhỏ, chúng tôi không thể cạnh tranh với Ấn Độ và Việt Nam. Hơn nữa, thị trường có sức mua chi trả cho tôm cỡ lớn là Trung Quốc”, ông Thammasart tiếp tục phân tích. “Trung Quốc là thị trường cuồng an toàn thực phẩm. Họ sẽ tìm đến nguồn cung Thái Lan để mua sữa (cho trẻ nhỏ), ví dụ như vậy”. Năm 2008, một vụ bê bối lớn tại Trung Quốc liên quan đến sữa công thức cho trẻ sơ sinh, cùng với nhiều bê bối liên quan đến nguyên liệu và thành phần thực phẩm khác, bị nhiễm melamine.  Trong ước 300.000 nạn nhân của vụ việc này, có 5 trẻ nhỏ đã chết do tổn thương thận và ước tính 54.000 trẻ nhỏ phải nhập viện. Vụ bê bối này thường được dẫn chứng như một trong những động lực chính cho sự ám ảnh của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với các sản phẩm nhập khẩu. “Nếu bạn có một câu chuyện tốt về an toàn thực phẩm, bạn có thể bán hàng tại Trung Quốc. Họ có rất nhiều tiền nhưng lại chẳng có sản phẩm họ muốn để mua”. Do chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát môi trường, mở rộng sản xuất tôm tại Trung Quốc không còn dễ dàng như trước, ông Thammasart cho biết thêm. Do đó, CP Foods có thể cung ứng tôm cỡ to mà người tiêu dùng Trung Quốc có nhu cầu.

Theo ông Thammasart, cỡ thu hoạch tôm thẻ trung bình của CP Foods hiện tăng gấp đôi so với trước đây. “Trước đây, CP Foods thu hoạch tôm cỡ 10 – 15gr/con, nay tăng lên 25 – 30gr/con, tức là to hơn rất nhiều. Trước đây, nếu bạn muốn nuôi tôm cỡ to thì buộc phải nuôi tôm sú. Hiện nay, nuôi tôm thẻ cỡ to trở nên dễ dàng hơn nhiều nhưng hương vị tôm thẻ không ngon bằng tôm sú”.

Do đó, để cung ứng nhu cầu cho thị trường ngách trên thị trường đối với tôm sú – mở ra nhờ Ấn Độ và Việt Nam đang chuyển sang nuôi tôm sú, ông Thammasart có kế hoạch sản xuất tôm sú trở lại. “Tôi nhận thấy xu hướng nhu cầu đối với tôm sú sẽ nổi lên và nhu cầu đang tăng. Việt Nam và Ấn Độ đã chuyển mạnh sang phân khúc tôm thẻ, dù họ từng là những nhà cung cấp tôm sú mạnh”.

CP Foods đang triển khai mạnh một dự án nuôi tôm sú. “Chúng tôi có nguồn gene tôm sú, nguồn giống tôm sú riêng và chúng tôi đã phát triển nuôi trong 15 năm, hiện vẫn đang không ngừng cải tiến. Đến nay, chúng tôi đã sẵn sàng bước vào sản xuất. Chúng tôi tiêu thụ một phần trên thị trường Trung Quốc và Malaysia, hiện họ sẽ kiểm tra chất lượng và nguồn giống của chúng tôi”, ông Thammasart cho hay.

Trước đây, nguồn tôm sú giống khai thác từ tự nhiên. “Trước đây, tôm sú không có nguồn gene tốt, không có nguồn giống tốt nhưng nay chúng tôi đã phát triển nguồn giống mạnh. Trước đây, chúng tôi từng phải khai thác nguồn giống từ biển. Nay chúng tôi đã hoàn toàn kiểm soát nguồn tôm giống và rủi ro đã giảm đáng kể so với trước đây”, ông Thammasart cho biết. “Sẽ dễ dàng hơn nhiều cho nông dân khi chúng tôi kiểm soát được nguồn tôm giống, giúp tăng lợi nhuận nuôi tôm. Trước đây, nông dân thu hoạch 10 thì chỉ sử dụng được 2, 8 phần còn lại bị bệnh đốm trắng”.

CP Foods hiện chỉ đang sản xuất trình diễn hoạt động nuôi tôm sú. “Nhưng tôi có kế hoạch mở rộng nuôi tôm sú. Khi bạn phát triển được các nguồn gene, bạn cũng có thể phát triển TACN và phương pháp nuôi tôm”. Đó là điều đáng để nỗ lực, ông Thammasart bình luận. “Sẽ nhiều thách thức hơn nhưng bạn sẽ bán được giá cao hơn”.

Nỗi ám ảnh của dịch EMS

Ông Thammasart nỗ lực phát triển các phương pháp sản xuất mới tại Thái Lan khi nước này chịu những thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh tôm chết sớm. Trước sự bùng nổ của EMS, sản lượng tôm của Thái Lan đạt hơn 600.000 tấn nhưng giảm xuống chỉ còn chưa đến 200.000 tấn từ năm 2012 – 2015. “Trong 3-4 năm chật vật đối phó, chúng tôi đã phát triển “hệ thống 3 sạch”: hồ nuôi sạch, nước sạch, tôm sạch bệnh”, ông Thammasart cho hay. Sau đó, CP Foods cũng đầu tư vào nghiêm cứu một giống tôm mới kháng bệnh EMS. “Bằng cách có chương trình phát triển giống tôm tốt, chúng tôi có thể nuôi tôm cỡ lớn hơn. Đây là một thị trường đặc biệt mà bạn không cạnh tranh quá mạnh với các đối thủ. Bằng cách cải thiện giống tôm kháng bệnh EMS mạnh hơn, tôm sinh trưởng nhanh hơn. Nông dân Thái hiện có thể nuôi tôm cỡ lớn hơn. Trước đây, bạn không thể nào thấy tôm thẻ cỡ 30gr, nay tôm thẻ có cỡ tới 40-50gr”, ông Thammasart cho hay. “Nông dân Thái có thể nuôi cỡ tôm to hơn các nước khác. Chúng tôi có lợi thế về cỡ tôm và tốc độ sinh trưởng nhanh để cạnh tranh với các nước khác. Nhưng sẽ mất thời gian để thuyết phục nông dân đi theo hướng này, đồng thời sẽ tốn thời gian để chuyển đổi hệ thống hồ nuôi và trang thiết bị của chúng tôi để thích hợp với hệ thống mới. Chi phí có thể tiếp tục tăng nhưng chúng tôi đạt được cỡ tôm to hơn. Tôi tin Thái Lan sẽ sản xuất cỡ tôm to nhất thế giới với nguồn cung ổn định liên tục”.

Hoạt động sản xuất “được kiểm soát”

Một phát triển công nghệ khác mà CP Foods đang ấp ủ là thúc đẩy hoạt động sản xuất “được kiểm soát”. “Là một công ty, tôi nghĩ về hướng đi về một hệ thống sản xuất được kiểm soát, đó là việc nuôi tôm trong nhà: đây là hệ thống sản xuất đòi hỏi chi phí cao nhưng là một cach sản xuất bền vững. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải nghiên cứu cách đưa hệ thống sản xuất này trở lên có tính kinh tế cao”.

Công ty hiện đã có hai hệ thống sản xuất tôm trong nhà tại Thái Lan, mặc dù không phải là các hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn 100% (RAS). Tuy nhiên RAS là mục tiêu công ty hướng đến trong tương lai. “Đây không phải là hệ thống tuần hoàn 100% nhưng gần như vậy. Chúng tôi sẽ tiến bước theo hướng này và sẽ đưa hệ thống này trở nên sinh lời. Trừ khi phải chi tiền, chúng tôi sẽ không thể tạo ra hệ thống sản xuất được kiểm soát và điều này sẽ tác động tới tương lai công ty. Mục tiêu này đòi hỏi nhiều thời gian những chúng tôi sẽ đi theo hướng này”.

Những thời khắc khó khăn tại Thái Lan

Trong triển lãm Thaifex gần đây, vấn đề giá tôm thấp đối với nông dân và thiếu đơn hàng đối với các nhà chế biến là các chủ đề thảo luận chính. Mặc dù giá tôm bắt đầu tăng  nhưng vẫn đang ở mức rất thấp. Sản lượng tôm Thái Lan hồi đầu năm 2018 được dự báo tăng nhưng nay được cho chỉ duy trì đi ngang ở mức 300.000 tấn hoặc thấp hơn. “Sản lượng tôm Thái Lan có thể giảm 10%. Vấn đề quan trọng nhất là giá, giá tôm thấp khiến nông dân lưỡng lự thả nuôi vụ mới do áp lực giá thấp”, ông Thammasart cho hay. Tình trạng hiện nay được một số nhân vật tại Thaifex đánh giá là thậm chí còn tồi tệ hơn giai đoạn dịch bệnh EMS.

Tuy nhiên, ông Thammasart không đồng ý với nhận định trên. “Theo quan điểm của tôi, nếu chúng ta còn có thể sản xuất và kinh doanh, thua lỗ sẽ thấp hơn nhiều so với quyết định không sản xuất. Thậm chí với giá thấp, chúng ta vẫn có thể sản xuất. Bạn thua lỗ nhưng không quá lớn thì bạn có thể điều chỉnh hoạt động sản xuất. Nhưng nếu bạn không thể sản xuất hoặc chỉ nuôi được tôm nửa cỡ so với nhu cầu hoặc tôm chế, đó sẽ là thua lỗ thực sự lớn”.

Theo Undercurrent News (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường