Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 8/2021, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) lớn nhất của Việt Nam, chiếm 28,5% tổng xuất khẩu NLTS trong tháng 8/2021. Trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước về mặt hàng NLTS, Việt Nam luôn là nước xuất siêu. Trong 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 44,88% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này chỉ ở mức 2,49 tỷ USD, tăng 38,28% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang thị trường này giảm khá mạnh trong tháng 8/2021, chỉ đạt xấp xỉ 820 triệu USD, giảm 39,05% so với tháng 7/2021 và giảm 25,55% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên việc sụt giảm này là tương đồng với mức giảm chung trong kim ngạch xuất khẩu của NLTS Việt Nam tới các thị trường, giảm 26,36% so với tháng trước và giảm 16,34% so với tháng 8/2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa kỳ trong tháng 8/2021 là gỗ và các sản phẩm gỗ (chiếm 54,64%), thủy sản (19,08%), hạt điều (12,63%). So với tháng 7/2021, tất cả 13 nhóm mặt hàng NLTS đã Việt Nam đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều có kim ngạch giảm, trong đó giảm nhiều nhất là thức ăn gia súc và nguyên liệu (giảm 85,45%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm).
Báo cáo Xu hướng Dữ liệu Cà phê Quốc gia (NCDT) mới nhất do Hiệp hội Cà phê Quốc gia (NCA) công bố cho thấy người Mỹ đã tăng mức tiêu thụ cà phê tại nơi làm việc lên 55% và tại các quán cà phê và nhà hàng lên 20% kể từ tháng 1 năm 2021, thúc đẩy tổng mức tiêu thụ cà phê ngoài nhà tăng 16% do các hạn chế COVID-19 đã được nới lỏng. Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến người Mỹ uống cà phê ở nhà nhiều hơn bao giờ hết. Mức tiêu thụ cà phê ở nhóm tuổi 25-39 đang ở mức cao kỷ lục với 65% uống cà phê trong ngày qua và mức tiêu thụ cà phê espresso thường được tiêu thụ ở nhà tăng 9%, trở lại mức tháng 1 năm 2020.
Trung bình mỗi năm Hoa Kỳ tiêu thụ hơn 150.000 tấn hạt điều chế biến. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 7 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt điều đạt xấp xỉ 97,62 nghìn tấn, trị giá 615,68 triệu USD, tăng 0,5% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm hạt điều Việt Nam đang chịu sự canh tranh lớn từ thị trường Bờ Biển Ngà (xuất khẩu tăng tới 166,4%), Ni-giê-ri-a (xuất khẩu tăng 111,1%) và thị trường mục tiêu mới của Hoa Kỳ là Tarzania.
Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở bang California của Hoa Kỳ đang làm ảnh hưởng chuỗi cung ứng thủy sản vào nước này. Theo The Wall Street Journal, ngày 20/9/2021, một con tàu đã phá kỷ lục chờ đợi tại các cảng Los Angeles và Long Beach với thời gian chờ trung bình kéo dài đến 8,5 ngày. Đây là hậu quả của sự gián đoạn liên quan đến dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm tăng cao do dịp lễ và tình trạng thiếu lao động tại Hoa Kỳ. Chi phí vận chuyển, nguyên liệu và bao bì tăng cao cùng tinh trạng thiếu lao động đã buộc nhiều nhà cung cấp thủy sản buộc phải tăng giá sản phẩm.
Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ và Cục Xuất Nhập khẩu, trong 3 quý đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,09 triệu tấn cao su với các mã HS 4001, 4002, 4003, 4005, trị giá 2,19 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su lớn nhất cho Hoa Kỳ.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.