Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XNK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG ASEAN THÁNG 10/2021
10 | 11 | 2021

Nguồn: Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT 

TÌNH HÌNH CHUNG

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường ASEAN chiếm hơn 8% tổng xuất khẩu NLTS của Việt Nam. Chín tháng đầu năm 2021, xuất khẩu NLTS của Việt Nam sang các nước ASEAN đạt 2.141 triệu USD giảm 22,59%  so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu đạt 5.229 triệu USD, tăng 101,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tính riêng tháng 9/2021, kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 351 triệu USD, tăng 9,36% so với tháng trước và tăng 35,68% so với cùng kỳ năm 2020.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN trong tháng 9/2021 là gạo (chiếm 46%), thủy sản (chiếm 11%), rau quả (chiếm 7,42%), cà phê (chiếm 7,36%), phân bón các loại (chiếm 7,24%), So với tháng 8/2021, có 12/14 mặt hàng NLTS có kim ngạch xuất khẩu tăng, cao nhất là sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 132%), cao su ( tăng 65%) rau quả ( tăng 45%) trong khi đó chỉ có 2/14 mặt hàng giảm là thịt và các sản phẩm thịt ( giảm 36%) và sản phẩm từ cao su ( giảm 3,14%). So với cùng kỳ tháng 9 năm 2020 thịt và sản phẩm thịt (tăng 125%), gạo (tăng 111%), cao su (tăng 55%), trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch giảm là sắn và sản phẩm từ sắn (giảm 84%), thủy sản (giảm 20%), cà phê ( giảm 14%)(Chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Campuchia chính thức xuất khẩu xoài tươi sang Trung Quốc từ tháng 5/2021. Tính đến tháng 9/2021, Campuchia đã xuất khẩu hơn 200 tấn xoài tươi sang Trung Quốc, và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên đáng kể trong năm tới. Tính đến ngày 26/4/2021, Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt 37 đồn điền xoài và 5 nhà máy đóng gói để xuất khẩu xoài tươi sang Trung Quốc.

Xuất khẩu cà phê robusta của Indonesia trong tháng 9 giảm 276.181 bao tương đương 69,74% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng số là 119.789 bao. Niên vụ cà phê  2020/2021 (từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 9 năm 2021) xuất khẩu cà phê của Indonesia thấp hơn 1.452.090 bao, tương đương 42,34% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng số 1.977.538 bao. Vụ mùa hiện tại của Indonesia từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022 ước tính đạt tổng cộng 11,35 triệu bao, giảm 2,16% so với năm trước.  Mặt hàng cà phê của Indonesia ngày càng thâm nhập vào thị trường thế giới so với các nông sản khác của nước này. Tháng 9/2021, giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp nước này đạt 390 triệu USD, tăng 15,04% so với tháng 8 năm 2021 chủ yếu là nhờ sự đóng góp của sản phẩm cà phê. Cà phê chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu nông nghiệp với 20,79%, tăng trưởng hàng năm cà phê là 3,87%.

Indonesia đã ban hành luật chứng nhận Halal mới theo Quy định 39 năm 2021 của Chính phủ (GR 39/2021) sẽ tác động đến các doanh nghiệp trong hầu hết các ngành. Theo GR 39/2021, các sản phẩm nhập khẩu, lưu thông và buôn bán ở Indonesia phải được chứng nhận Halal trừ khi chúng có nguồn gốc từ các nguyên liệu bị cấm theo đạo Hồi (Haram). Thực phẩm và đồ uống là một trong các mặt hàng bắt buộc phải được chứng nhận Halal.

Bộ Nông nghiệp Philippin (DA) cho biết họ đang trong giai đoạn đàm phán cuối để đạt được khoản vay 200 triệu USD (10 tỷ peso) từ Ngân hàng Thế giới để tài trợ cho một dự án 7 năm nhằm hỗ trợ việc mở rộng quy mô và hiện đại hóa ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản của Philippin. Dự kiến dự án mang lại lợi ích cho ít nhất 500.000 ngư dân và các bên liên quan trên toàn quốc. Mục tiêu tăng trưởng chính của dự án sau 7 năm là: thu nhập hộ gia đình tăng 3% và các mặt hàng thủy sản có giá trị gia tăng; Giảm 5% tổn thất sau thu hoạch; và giảm từ 1- 5% các vụ đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát.  Mới đây DA cũng đã tuyên bố sẽ hỗ trợ sản xuất thịt thỏ trong nước vì để thay thế cho thịt lợn, vốn vẫn đắt đỏ do vấn đề nguồn cung do dịch bệnh ở lợn gây ra.

Trong báo cáo triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á năm nay khoảng 6,5%. Một số nước có tốc độ tăng GDP tốt như Singapore 6% (năm ngoái tăng trưởng âm 5,4%), Trung Quốc 8% (năm ngoái 2,3%). Trong nhóm 5 nước Đông Nam Á, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng 3,8% (năm ngoái 2,9%). 4 nước còn lại là Indonesia, Thái Lan, Phillipines, Malaysia năm ngoái đều tăng trưởng âm, dự báo tăng trưởng năm nay cũng chỉ ở dưới 3,5%. Thậm chí, IMF dự báo Thái Lan chỉ tăng trưởng 1% trong khi năm ngoái GDP tăng trưởng âm 6,1%. IMF đánh giá, đứt gãy chuỗi cung ứng và sức ép giá cả đang kiềm chế đà phục hồi của các nền kinh tế. Do đó, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 được hạ xuống 5,9%, giảm nhẹ so với mức 6% đưa ra trước đó và giữ nguyên dự báo cho năm 2022 là 4,9%. IMF nhìn nhận lực lượng lao động tham gia vào thị trường vẫn kém hơn so với mức trước dịch. Về tổng thể, thị trường lao động ở các nước mới nổi và đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng hơn các nước phát triển.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.

 



Báo cáo phân tích thị trường