Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệu quả mô hình trồng mía ép nước tại xã Tân Châu
03 | 06 | 2022
Xã Tân Châu (Thiệu Hóa) có 110 ha bãi bồi; khu vực này trước đây chủ yếu được bà con nông dân sử dụng để trồng ngô, cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Năm 2012, được định hướng của chính quyền xã, một số hộ dân đã mạnh dạn đưa cây mía ép nước vào trồng. Ngay từ vụ đầu tiên, cây mía ép nước đã chứng minh được những ưu điểm và hiệu quả kinh tế vượt trội so với một số cây trồng khác, nên thu hút được nhiều hộ dân tham gia trồng, diện tích mía ép nước trên địa bàn xã theo đó ngày càng được mở rộng.

Theo Báo Thanh Hóa

Là hộ có 10 năm kinh nghiệm trồng mía ép nước, ông Đỗ Công Thế, thôn 1, xã Tân Châu luôn tính toán thời gian trồng để thu hoạch mía vào đúng đợt cao điểm nắng nóng và bán được giá cao. Ông Thế cho biết, gia đình có 1 ha trồng mía ép nước và để bảo đảm thị trường tiêu thụ, ông trồng thành 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng, tương đương với thời gian thu hoạch vào các tháng 5, 6, 7, trùng vào với thời gian cao điểm nắng nóng. Cũng theo ông Thế, mía là cây dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ít so với cây trồng khác. Hơn nữa, mía được trồng trên khu vực đất bãi bồi màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, nên không mất quá nhiều chi phí phân bón, song năng suất, chất lượng vẫn đạt cao. Diện tích trồng mía ép nước của gia đình ông đạt khoảng 70 tấn/ha/vụ, doanh thu khoảng 210 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt từ 160 đến 170 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Thế cho biết thêm: Mía của gia đình ông có thân to, mập, lóng dài, mọng nước, độ ngọt không quá cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên vào mùa hè, nhiều thương lái tìm đến tận ruộng để thu mua. Ưu điểm của cây mía ép nước là có thể thu hoạch tỉa mà không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, nên áp lực về thời vụ thu hoạch không lớn, người trồng không lo bị ép giá.

Những ngày này, gia đình của chị Lê Như Nguyệt, thôn 1, xã Tân Châu cũng đang thu hoạch mía để nhập cho thương lái. Theo chị Nguyệt, cây mía ép nước có khả năng chịu hạn, chịu lụt tốt hơn so với cây ngô và các loại cây rau màu. Mùa thu hoạch chính của mía ép nước bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Đây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước mía giải khát tăng cao nên thị trường tiêu thụ thuận lợi. Với 4 sào mía ép nước, vụ thu hoạch năm nay, chị dự kiến thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Ngoài bán cây, gia đình chị còn tận dụng ngọn mía làm thức ăn cho trâu, bò.

Ông Đỗ Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu (Thiệu Hóa), cho biết: Sau 10 năm đưa vào trồng trên vùng đất bãi bồi ven sông Chu, đến nay, diện tích trồng mía ép nước trên địa bàn xã đã được mở rộng lên tới 70 ha, chiếm 63,3% diện tích đất bãi của xã. Hiện tại, năng suất bình quân 1 ha trồng mía ép nước của xã đạt khoảng 60 tấn/ha/vụ, doanh thu khoảng 180 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/ha/vụ. So với diện tích trồng ngô và cỏ chăn nuôi trên vùng đất bãi bồi, mía ép nước đang đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 30 - 40%. Điều đáng nói là diện tích trồng mía ép nước có thị trường tiêu thụ bảo đảm, hiệu quả kinh tế cao. Ông Hà cho biết thêm, toàn bộ diện tích mía được trồng trên vùng đất bãi bồi màu mỡ, do đó, nhiều hộ gia đình chưa chú trọng đến việc chăm bón bằng các loại phân chuyên dùng, nên năng suất bình quân vẫn chưa cao. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục khuyến khích bà con nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, xã đang chú trọng phổ biến, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh đối với cây mía ép nước thông qua việc tăng cường bón các loại phân hữu cơ giúp cải tạo và tăng dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, bón các loại phân chuyên dùng cho cây mía để tăng năng suất, chất lượng.



Báo cáo phân tích thị trường