Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cận cảnh lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc
21 | 09 | 2022
Trái sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Nguồn thanhnien.vn.

Ngày 19.9, tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các cơ quan chức năng chính thức xuất khẩu lô hàng sầu riêng chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Xe container sầu riêng đầu tiên được làm thủ tục thông quan thuộc Công ty TNHH thương mại xuất khẩu Dũng Thái Sơn (Đắc Lắk), đối tác nhập khẩu của Trung Quốc là Công ty chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Hải.

Qua tìm hiểu từ các doanh nghiệpsầu riêng xuất khẩu trong đợt đầu tiên này được thu mua, đóng gói tại tỉnh Đắk Lắk với tổng sản lượng khoảng 100 tấn. Đắk Lắk cũng là địa phương sở hữu nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói... nhất ở khu vực Tây Nguyên, theo danh sách Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và thông báo cho Việt Nam.

Theo đại diện các doanh nghiệp, ngoài đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc còn phải được lựa chọn khắt khe.

Trái sầu riêng ngon nhất phải được hái từ cây 7 năm tuổi trở lên và “chín già”, do những người nhiều kinh nghiệm tuyển chọn. Bên cạnh đó, sầu riêng xuất khẩu phải có dáng tròn, đồng đều về trọng lượng.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết, 51 mã số vùng trồng vừa được Trung Quốc phê duyệt có tổng diện tích khoảng 3.000 ha và chỉ một phần diện tích này đang cho thu hoạch phục vụ xuất khẩu đến cuối năm 2022. Dự kiến mỗi tháng các doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 13.000 - 14.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Số lượng này rất nhỏ so với nhu cầu từ thị trường Trung Quốc khi các doanh nghiệp đã có hợp đồng xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, diện tích được Trung Quốc công nhận đủ điều kiện xuất khẩu chỉ chiếm 3% tổng diện tích cả nước. Nhưng đây là thành tựu bước đầu, khẳng định trái sầu riêng Việt Nam đã vượt qua được quy trình kiểm tra khắt khe, đáp ứng yêu cầu cao từ thị trường này.

“Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực phối hợp với các địa phương chuẩn hóa các vùng trồng sầu riêng và đàm phán với Trung Quốc để tăng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để tăng lượng sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc”, ông Trung nói.



Báo cáo phân tích thị trường