Nguồn: tuoitre.vn
"Gạo Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng gốc Việt tại Anh ưa chuộng, nhất là từ khi gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua được giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới năm 2019" - ông Nguyễn Cảnh Cường, tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Cường giải thích tiềm năng xuất khẩu gia tăng do thuế nhập khẩu gạo thơm theo hạn ngạch giảm từ 17,4% xuống 0% nhờ UKVFTA. Tận dụng ưu đãi đó, các công ty Anh đang điều chỉnh cơ cấu mua hàng theo hướng tăng dần tỉ lệ mua gạo từ Việt Nam.
Giá trị gạo Việt Nam ngày một tăng
Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Anh cho thấy tổng giá trị nhập khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng trong các năm 2020 và 2021.
Năm 2020, trước khi UKVFTA có hiệu lực, gạo Việt Nam xuất sang Anh tăng gấp đôi, từ 1.296 tấn năm liền kề trước đó lên 3.396 tấn (trị giá 2.670.000 USD). Trong năm 2021, khối lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam giảm 20% trong bối cảnh chung nhiều nước cũng vậy.
Tuy nhiên, giá trị năm 2021 lại tăng 4% so với năm 2020 nhờ đơn giá gạo Việt Nam tăng, đạt 2.764.000 USD.
Theo ông Cường, Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang Anh với thị phần còn khiêm tốn, chỉ 0,42%.
"Tuy nhiên dư địa cho gạo Việt Nam tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt 100.000 người và nhờ Quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Anh khẳng định.
Trong thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã phối hợp tổ chức nhiều phiên tư vấn trực tuyến về xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các sự kiện có sự tham gia của nhiều chuyên gia thị trường sở tại và chuyên gia Global G.A.P..
Thương vụ cũng phối hợp với các hội doanh nghiệp và cộng đồng người Việt tại Anh, các siêu thị có chủ là người Việt Nam để quảng bá nông sản, hàng hóa Việt Nam và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Không chỉ gạo Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nhờ UKVFTA, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Anh đã có những tăng trưởng rất tốt.
Số liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Anh đạt hơn 8 tỉ USD trong năm 2022. Hiện Việt Nam đang đạt thặng dư thương mại trên 5 tỉ USD.
Theo ông Tiến, nông lâm thủy sản Việt Nam đang có lợi thế khi xuất khẩu sang Anh, bởi việc thực thi UKVFTA giúp 94% trong tổng số 547 dòng thuế các sản phẩm nông nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất 0%.
Nhờ vậy, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Anh năm 2022 đạt gần 1 tỉ USD, tăng trưởng 25%. Hiện Anh nằm trong tốp những thị trường xuất khẩu thủy hải sản và xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Cùng với đó là hạt điều, cà phê và gạo, những mặt hàng truyền thống có thế mạnh của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Tiến, để tăng cường thương mại sản phẩm chăn nuôi, phía Anh sẽ xem xét mở cửa đối với sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm chế biến và trứng gia cầm các loại (tươi sống, chế biến), sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường Anh.
Ở chiều ngược lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ xem xét cho một số sản phẩm thịt heo và thịt gà… vào được thị trường Việt Nam. Như vậy, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của UKVFTA còn rất lớn.
Theo ông Tiến, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại "Global Britain" nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức "có đi có lại" với đối tác nước ngoài thông qua các FTA.
Ngoài ra, Anh cũng đang quyết tâm gia nhập CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).
Điều đó đồng nghĩa Anh sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên CPTPP để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của Anh. Khi đó, nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.
"Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu. Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển", ông Tiến lưu ý.