Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Cú hích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”
22 | 07 | 2007
Một trong những cách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể cạnh tranh được trong sân chơi toàn cầu là đưa ra sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để xây dựng thương hiệu.

Là một chuyên gia kinh tế, ông Choe Hyoung-Chan, Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về vấn đề này tại Sứ quán Hàn Quốc ngày 14/5/2007.

Ông Choe Hyoung-Chan đang trả lời phỏng vấn VietNamNet

Ông Choe Hyoung-Chan đang trả lời phỏng vấn VietNamNet.

- Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài và các công ty lớn? Theo ông, họ phải làm gì?

- Khi Việt Nam vào WTO, các công ty lớn tràn vào Việt Nam, tạo nguy cơ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài chính ổn định, công nghệ tiên tiến hiện đại như các công ty lớn của nước ngoài để mà cạnh tranh. Nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Bởi vậy mà Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ gián tiếp tới các doanh nghiệp vừa vừa nhỏ. Và một phần quan trọng khác là các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tự nỗ lực để tồn tại.

Phải chăng một trong những cách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ tồn tại được mà phải kiếm được lợi nhuận là phải cung cấp những sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất?

- Đó cũng là một cách. Nếu một doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng họ sản xuất được những sản phẩm chất lượng tốt với giá rẻ thì dần dần thị trường thế giới sẽ biết đến các sản phẩm đó. Công ty sẽ nổi tiếng hơn và trở thành công ty cỡ vừa. Nếu họ tiếp tục cung cấp được những sản phẩm tốt, dịch vụ tốt thì họ sẽ trở thành công ty lớn. Nhưng họ chỉ giữ được danh tiếng của mình nếu họ giữ được chất lượng của sản phẩm.

Theo ông, những sản phẩm nào của Việt Nam là tốt?

- Nhiều sản phẩm Việt Nam hiện nay rất nổi tiếng trên thị trường thế giới như các sản phẩm dệt may, cà phê, chè, cao su… Các sản phẩm này đã được thế giới công nhận và có thị phần rất lớn. Tương lai xuất khẩu các sản phẩm này cũng rất hứa hẹn.

Đúng là Việt Nam xuất khẩu rất nhiều các sản phẩm đó, nhưng không ai biết đến một thương hiệu nào của quần áo, chè hay cà phê của Việt Nam như kiểu Starbuck của Mỹ cả?

- Đúng rồi. Thương hiệu là một cái rất quan trọng. Mọi người đều biết đến LG, Sam Sung hay Sony. Và khi họ đã tin vào thương hiệu này thì mọi sản phẩm của công ty này, họ sẽ ưa thích. Hay như Honda, nếu mua xe máy ở công ty đó, bạn sẽ không có nhiều lựa chọn lắm, các công ty khác sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Nhưng bởi vì bạn đã thích Honda rồi nên bạn sẽ chọn Honda để mua. Và còn bởi vì mọi người đều đi xe Honda nên bạn cũng phải đi xe Honda.

Nhưng chi phí đầu tư xây dựng thương hiệu sẽ là quá lớn với những doanh nghiệp vừa và nhỏ?

1

"Xây dựng thương hiệu: Có thể tốn rất nhiều, nhưng có thể cũng chỉ tốn 1 xu"

- Có thể sẽ tốn rất nhiều tiền nhưng cũng có thể chỉ tốn 1 xu. Cái đó nằm ở trong đầu chúng ta. Ở Hàn Quốc, có những công ty gọi là “venture company” do sinh viên lập ra chỉ 1-2 người. Họ bán những ý tưởng mới mà những người khác không nghĩ ra. Muốn làm được thế, các công ty vừa và nhỏ Việt Nam phải có đội ngũ nhân viên giỏi được đào tạo tốt. Những nhân viên này cũng phải cố gắng, học tập một cách chăm chỉ bởi 4 năm học đại học chưa là gì cả khi anh bước vào thị trường, vào cuộc cạnh tranh.

Vậy việc tổ chức một cuộc thi như thương hiệu “Việt Nam tốt nhất”, chọn ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất trên thị trường Việt Nam có giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu của mình không?

- Tất nhiên. Tại Hàn Quốc, có rất nhiều cuộc thi như vậy. Chúng tôi có cuộc thi chọn sản phẩm tốt nhất, rồi chọn công nghệ tốt nhất. Những giải thưởng như vậy sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), vì như vậy họ mới tạo ra được những sản phẩm tốt. Nếu họ được bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm tốt nhất, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ quảng bá cho họ. Những người dân sẽ biết đến tên tuổi và sản phẩm của họ.

Tôi lấy ví dụ cái ví này (ông giơ lên chiếc ví), bình thường người dân có thể không biết đó là cái gì, nhưng nếu qua giải thưởng này, họ biết đến tên công ty này rồi, khi đi mua hàng, nhìn thấy cái ví đó là của công ty đó, rất có thể họ sẽ mua. Như vậy, giải thưởng sẽ là một cú hích lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bước ra thị trường.

Chương trình trao giải thương hiệu “Việt Nam tốt nhất” sẽ được tường thuật trực tiếp trên kênh HTV9 – Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh vào lúc 20h30 ngày 26/5/2007 từ Nhà hát Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh với sự tham gia của các ca sĩ Mỹ Linh, AC&M, Nguyên Thảo, Đức Tuấn, vũ đoàn Hoàng Thông.

Theo ông, điều đó có lợi gì cho nền kinh tế Việt Nam nói chung không?

- Điều các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần hiện nay không chỉ là tồn tại, mà là họ phải có lợi nhuận, phải phát triển. Như vậy, họ phải tập trung vào phát triển công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất. Và các sản phẩm đó cần được công bố ra công chúng qua các phương tiện thông tin đại chúng. Một cuộc thi như Việt Nam tốt nhất sẽ làm được điều đó.

Nếu sản phẩm đó trở nên nổi tiếng, các sản phẩm, dịch vụ của họ sẽ trở nên có thương hiệu, như vậy dần dần họ sẽ xâm nhập được thị trường Đông Nam Á, rồi Đông Bắc Á. Và khi đã có đà, họ có thể tiếp tục mở rộng thị trường của mình ra châu Á và khắp thế giới. Điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam.



(vietnamnet.vn)
Báo cáo phân tích thị trường