Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chất lượng sản phẩm thấp hơn các nước khác và do các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn đứng ngoài sàn giao dịch quốc tế.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến cà phê Việt Nam có chất lượng thấp là do công nghệ sơ chế của Việt Nam còn yếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó nông dân có thói quen thu hoạch cà phê lẫn lộn cả trái chín lẫn xanh. Vì thế, ngay cả khi công nghệ sơ chế tốt thì cà phê hạt xuất khẩu của Việt Nam vẫn kém hơn các nước khác.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc nâng cao chất lượng cà phê hạt xuất khẩu để có mức giá xuất khẩu tốt hơn, Việt Nam cần gia tăng giá trị xuất khẩu của cà phê thông qua chế biến, thúc đẩy tiêu thụ trong nước, giảm sự phụ thuộc của ngành cà phê vào các nhà sản xuất kinh doanh nước ngoài. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, ngành chế biến cà phê của Việt Nam mới chỉ phát triển ở một mức độ nhất định nên chưa phát huy được hết lợi thế của mình.
Một điểm hạn chế nữa là trong suốt hơn 10 năm qua doanh nghiệp Việt Nam vẫn định giá cà phê bằng việc dựa vào thông tin bán lại của hãng tin Reuters, trừ đi chi phí, quy ra tiền Việt theo tỷ giá hối đoái rồi đưa ra mức giá mua bán tại địa phương. Trong khi từ cả trăm năm nay, doanh nghiệp cà phê thế giới chỉ giao dịch qua thị trường kỳ hạn lớn như LIFFE (Luân Đôn), NYMEX (Niu Yooc). Một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam hiện nay vẫn còn e ngại về cách thức giao dịch trên thị trường này. Việc tham gia sàn giao dịch thế giới sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với thị trường nước ngoài. Trên thực tế, nhờ vào sự phán đoán thị trường và dùng hợp đồng kỳ hạn như một công cụ phần nào đã hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.
Một thuận lợi là Luật Thương mại có hiệu lực vào đầu năm 2006 cũng đã cho phép các doanh nghiệp được mua bán hàng hoá qua sàn giao dịch nước ngoài và doanh nghiệp được phép chọn ngân hàng uy tín để bảo lãnh.