Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân & hậu quả của các chính sách
21 | 09 | 2007
Tuần này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhóm họp để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần II khoá 12 sắp tới, bàn về những vấn đề khiếu kiện đất đai, tính độc lập của toà án, cải cách Tư pháp. Nhân sự kiện này, Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp

Phần 1: Đổi thay theo dòng lịch sử

Hiến pháp 1946 ban hành, những “thần dân” Việt Nam, lần đầu tiên, có cơ hội để trở thành “công dân” của một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, không phải cứ có Hiến pháp là có “pháp quyền”, nếu như những nguyên tắc định ra trong đó không được tôn trọng. TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp, nguyên Trưởng tiểu ban biên tập Hiến pháp 1992, nguyên thành viên của Ban Thư ký soạn thảo Hiến pháp 1980, đã chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị những trăn trở về một truyền thống Hiến pháp chưa được kiến tạo ở Việt Nam.

Thưa ông, là người trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều bản Hiến pháp, ông có nhận xét gì về những lần sửa đổi đó?

Việt Nam không có truyền thống Hiến pháp, và có thể đó là lý do khiến cho Hiến pháp của ta rất hay thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Mỗi lần thay đổi, “lịch sử” để lại rất nhiều dấu ấn trong Hiến pháp.

Xin được bắt đầu với “hoàn cảnh lịch sử” khi Hiến pháp 1946 ra đời. Thưa ông, vì sao mô hình nhà nước Xô Viết đã không được chọn trong bản Hiến pháp đầu tiên này của nước ta?

Mô hình nhà nước Xô Viết theo Hiến pháp 1936 của Liên Xô là nhà nước dựa trên nền tảng (đấu tranh) giai cấp. Trong khi, yêu cầu của cách mạng Việt Nam ở thời điểm năm 1946 là phải đoàn kết dân tộc thật sự. Nhưng, có thể đây cũng là một lý do, những người tham gia soạn thảo Hiến pháp 1946 không có ai từng nghiên cứu Hiến pháp Liên Xô. Những người trực tiếp chấp bút đều là trí thức được đào tạo trong các nhà trường của Pháp, nơi tư tưởng dân chủ, dân quyền có một sức ảnh hưởng to lớn.

Thưa ông, Hiến pháp 1946 vẫn thường được gọi là Hiến pháp Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh thì đã ở Nga từ năm 1924?

Không chỉ trong Hiến pháp, đã có người đặt câu hỏi, vì sao trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chủ tịch cũng không trích dẫn bản “Tuyên ngôn” Lenin đọc sau Cách mạng Tháng 10 mà chỉ trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ. Tôi nghĩ, “Tuyên ngôn” của Lenin là một tuyên ngôn về giai cấp. Trong khi, mối quan tâm xuyên suốt của Hồ Chí Minh là dân tộc. Năm 1927 khi viết Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh đã không giấu giếm điều này. Nhiều người chỉ thấy Hồ Chủ tịch trích dẫn câu “mọi người sinh ra đều bình đẳng” trong Tuyên ngôn độc lập Mỹ, ít ai chú ý, ông trích câu đó để nhấn mạnh: “Suy rộng ra, các dân tộc đều có quyền bình đẳng”.

Nhưng thưa ông, như vậy, yếu tố “thời điểm lịch sử” đã đóng một vai trò thế nào trong bản Hiến pháp này?

Cũng cần nhắc lại, những năm tháng hoạt động của Hồ Chí Minh tại Liên Xô là không hề suôn sẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, không có nhiều mô hình kiểu Xô Viết để các tác giả của bản Hiến pháp 1946 tham khảo. Sau Thế chiến thứ 2, ở Pháp, Đảng Cộng sản khi nắm quyền cũng đã thử đưa vào dự thảo hiến pháp mô hình nhà nước cộng sản, nhưng nó đã không được nhân dân Pháp ủng hộ.

Thưa ông, “dân tộc” được coi là mối quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh, nhưng tại sao ngay trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp thể hiện đường lối dân tộc 1946 đã được thay bằng bản Hiến pháp 1959, mang tính giai cấp?

Hiến pháp 1959 ra đời là một ví dụ về điều tôi đã nói, chúng ta không có truyền thống Hiến pháp, nên “hoàn cảnh lịch sử” đóng một vai trò hết sức to lớn trong việc thay đổi nó. Tác động của “hoàn cảnh lịch sử” lên Hiến pháp không phải từ năm 1959, nó bắt đầu xuất hiện từ năm 1953.

Năm Quốc hội thông qua Luật Cải cách ruộng đất?

Vâng. Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua, chưa kịp công bố, thì đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh. Nếu Hiến pháp 1946 đi vào cuộc sống, Quốc hội lập hiến sẽ phải thay thế bằng Nghị viện Nhân dân. Tuy nhiên, một cuộc tổng tuyển cử sau Hiến pháp đã không thể thực hiện vào năm 1953, khi các đại biểu được triệu tập ra Việt Bắc để thông qua Luật Cải cách ruộng đất, Quốc hội lập hiến, tự nó trở thành Quốc hội lập pháp.

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một khái niệm tiếp thu từ Hiến pháp Liên Xô. Nhưng nếu như sau Cách mạng Tháng 10, việc quốc hữu hoá đất đai của Liên Xô là để nhắm vào giai cấp quý tộc vì khi đó ruộng đất đang ở trong tay giai cấp này. Thì, ở thời điểm 1980, đất đai của ta chủ yếu đã về tay nông dân. Không phải quý tộc hay địa chủ, chính nông dân nhận lãnh hậu quả của các chính sách đó

Như vậy là truyền thống tuân thủ Hiến pháp đã có một “tiền lệ” khi Quốc hội lập hiến thông qua đạo luật này?

Sau này, khi nhìn lại Luật Cải cách ruộng đất, có hai ý kiến khác nhau: Một số người nói, nó trái với điều 12 của Hiến pháp; Một số ý kiến cho rằng không thể gọi là “trái”, vì trên thực tế, Hiến pháp 1946 chưa được thi hành. Điều 12, Hiến pháp 1946 nói rằng: “Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm”. Trong bản Dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân, không có điều khoản ấy. Có lẽ, về phương diện sở hữu, Hồ Chủ tịch có phần nào chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Xô Viết. “Quyền tư hữu” được bổ sung sau khi lấy ý kiến nhân dân. Nhưng, hoàn cảnh lịch sử mới là yếu tố chính, ảnh hưởng tới việc ra đời của Luật Cải cách ruộng đất.

Ông muốn nói về cuộc kháng chiến chống Pháp?

Như chúng ta biết, chiến dịch Biên giới đã đưa cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang một giai đoạn mới. Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu có những giúp đỡ thiết thực hơn, đồng thời, “bạn” thúc giục chúng ta làm cải cách ruộng đất. Ở bên trong, việc tước đoạt đất đai của địa chủ chia cho dân nghèo cũng có một ý nghĩa nhất định đối với cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian mà “người cày” thực sự “có ruộng” là không dài.

Vì sau đó, Hiến pháp 1980 xác định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”?

Ruộng đất bắt đầu được đưa vào các hợp tác xã ở miền Bắc kể từ khi Hiến pháp 1959 xác định tiến trình “cải tạo xã hội chủ nghĩa” và tới Hiến pháp 1980 thì chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân”. Theo bản dự thảo mà Chủ tịch Uỷ ban Soạn thảo Hiến pháp Trường Chinh chuẩn bị, đất đai, dự định, vẫn thuộc sở hữu của năm thành phần kinh tế. Uỷ ban Nông nghiệp Trung ương Đảng cũng đồng ý với đề nghị này. Tuy nhiên, phát biểu trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cho rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một vấn đề “mang tính đạo lý”. Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn rất ấn tượng. Khi Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp trình bày ý kiến của đồng chí Lê Duẩn trước Quốc hội, các đại biểu cũng chưa ý thức được bản chất của tiến trình này là quốc hữu hoá. Bản thân bà luật gia Ngô Bá Thành cũng nghĩ rằng, “đất đai sở hữu toàn dân” tức là “mỗi người có một mảnh đất”.

Thưa ông, ở thời điểm ấy, chúng ta chưa hiểu hết nội hàm của khái niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay vì chúng ta chưa nhận thấy những giá trị lâu dài mà một bản Hiến pháp cần phải nhắm tới?

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một khái niệm tiếp thu từ Hiến pháp Liên Xô. Nhưng nếu như sau Cách mạng Tháng 10, việc quốc hữu hoá đất đai của Liên Xô là để nhắm vào giai cấp quý tộc vì khi đó ruộng đất đang ở trong tay giai cấp này. Thì, ở thời điểm 1980, đất đai của ta chủ yếu đã về tay nông dân. Không phải quý tộc hay địa chủ, chính nông dân nhận lãnh hậu quả của các chính sách đó. Tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau về bài học cân nhắc hoàn cảnh của nước ta khi tiếp thu Hiến pháp Liên xô. Phải thừa nhận, những khủng hoảng xuất hiện sau Hiến pháp 1980 là rất to lớn và cho đến nay vẫn chưa thể nào khắc phục hết được.



Theo rice.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường