Nông dân sợ DN!
|
Vùng nguyên liệu của Long An có khoảng 15.000 ha mía, trong đó huyện Bến Lức đã chiếm đến 10.600 ha. Người trồng mía chủ yếu cung cấp chủ yếu cho hai công ty đường Ấn Độ, và Hiệp Hoà. |
Nông dân Nguyễn Văn Hết - Tổ trưởng Tổ giống mía xã Bình Đức (huyện Bến Lức) tâm sự, người trồng mía ít dám chở mía đến nhà máy bán vì sợ ép chữ đường (CCS) mà chấp nhận bán tại ruộng với giá từ 220.000-250.000 đ/tấn 10 CCS. Theo ông Hết, hợp đồng tiêu thụ mía giữa DN và nông dân vẫn có, chẳng hạn hiện nay là 350.000 đ/tấn 10 CCS. Tuy nhiên, khi nông dân chở mía đến bàn cân thì chữ đường chẳng biết ai "cướp" mất chỉ còn 6-8 CCS . Hơn nữa, việc thông báo kết quả CCS chậm và trả tiền trễ nên dân càng ngao ngán.
Ở Bến Lức người ta còn hài hước dẫn ra câu chuyện mua mía của nông dân rằng, có một "cốm" trồng mía ở cầu Rạch Vong chặt 11 xe mía (cùng giống, cùng diện tích và kĩ thuật canh tác như nhau) đem đến bàn cân Cty Mía đường Hiệp Hoà. Chiếc xe đầu tiên bị lật xuống mương nên 10 chiếc sau tiếp tục hành trình vào nhà máy. Kết quả 10 xe đầu kết quả chỉ 8,30 CCS, còn chiếc xe bị lật hốt lên ngày sau lên đến 11 CCS nên nảy sinh khiếu nại...
"Nông dân từng đề nghị DN nên cử nhân viên đến vùng mía thử chữ đường để họ biết CCS lên xuống bao nhiêu thì DN không làm. Họ thích "trảm" nông dân ở ngay tại bàn cân" -ông Hết nói.
Trong cuộc "đối thoại" mới đây, nông dân đứng cân hỏi hai công ty đường Ấn Độ, Hiệp Hoà rằng: "Bây giờ trồng giống mía gì doanh nghiệp cứ nói để bọn tôi bán được giá chứ chữ đường cứ bị hạ thấp thì thiệt hại cho dân quá!". Câu hỏi rất cầu thị, nhưng tiếc là DN trả lời vòng vo, không rõ ràng !Trưởng phòng Kinh tế huyện Bến Lức, ông Lê Văn Thuận đánh giá: "DN muốn tồn tại phải đầu tư vùng nguyên liệu, và cùng nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng vùng mía để nông dân an tâm sản xuất. Việc thử chữ đường của các cty đường Ấn Độ, Hiệp Hoà dứt khoát phải công khai, minh bạch chứ không thể để tình trạng hiện nay. Mía chặt cùng một đám, hai ghe cùng chở vào nhưng chữ đường lại khác nhau".
Thương lái vừa bán, vừa run!
Thương lái cho hay, hiện nay giá mía cây thu mua tại Cty Mía đường Hiệp Hoà là 420.000 đ/tấn 10 CCS, Ấn Độ là 345.000 đ/tấn 10 CCS. Trong khi vào thời điểm này năm ngoái ở đường Hiệp Hoà mua vào 435.000 đ/tấn 10 CCS, và Ấn Độ là 370.000 đ/tấn 10 CCS. Trong khi giá vật tư phân bón năm nay khá cao đủ thấy người trồng mía thiệt thòi thế nào.
Còn anh Nguyễn Văn Sót (ấp 9, xã Lương Hoà, huyện Bến Lức), một trong những thương lái thu mua mía của nông dân bộc bạch: "Hợp đồng, trong vụ mía 2007-2008 tôi ký với hai công ty đường Hiệp Hoà, Ấn Độ trên 4.100 tấn mía cây. Mua mía từ ruộng (giá 250.000 đ/tấn) chịu chi phí vận chuyển, đốn chặt mang đến bàn cân nhưng để biết chữ đường trên lượng mía bán đi cũng phải chờ kết quả từ 1-5 ngày nên sợ chữ đường thấp sẽ lỗ". Anh Sót thổ lộ, ký kết với nhà máy đường Ấn Độ 345.000 đ/tấn 10 CCS, mang mía đến bàn cân thì 4-5 ngày sau mới biết kết quả CCS. Trong khi theo hợp đồng ,mía dưới 7 CCS chỉ còn 180.000 đ/tấn. Theo anh Sót, so với cty đường Ấn Độ thì Hiệp Hoà cho biết kết quả CCS sớm hơn. Tuy vậy, việc đánh giá CCS thì chỉ có hai DN này biết và chưa ai giám sát để bảo vệ quyền lợi người trồng và người bán mía!
Phó GĐ Sở NN-PTNT Long An, ông Trần Minh Tùng: Dễ thiếu nguyên liệu
Sắp tới vùng mía nguyên liệu sẽ giảm khoảng 4.000 ha thì không đủ công sức để hai nhà máy trên địa bàn chạy. Nếu tăng diện tích cũng rất khó vì xu thế phát triển công nghiệp đang diễn ra. Chúng tôi rất lo việc này nên mong muốn DN cùng với địa phương chuyển giao các giống mới, chất lượng giúp nông dân đẩy năng suất lên 70 tấn/ha và nâng chữ đường lên 12 CCS. Hy vọng từ những việc này sẽ cải thiện được tình hình sau khi diện tích nguyên liệu bị giảm đi. |