30 năm: Diện tích tăng 25 lần
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau năm 1975, nước ta bắt đầu phát triển cây càphê tại các tỉnh Tây Nguyên. Đến năm 1990, cả nước đã có 119.300ha càphê. 15-20 năm trở lại đây, dù giá cả thất thường nhưng diện tích và sản lượng càphê vẫn phát triển nhanh chóng. Năm 2006, cả nước có trên 500.000ha càphê, đứng thứ ba thế giới về diện tích, đứng đầu về năng suất, thứ hai về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Dù có mặt trên “bản đồ” càphê thế giới nhưng cây càphê Việt Nam vẫn tồn tại nhiều điểm yếu như: chất lượng không đồng đều; cơ cấu giống chưa hợp lý (tỷ lệ càphê vối chiếm trên 95% diện tích); sản xuất thiếu tính bền vững; ngoài ra, kỹ thuật thu hái, chế biến còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng càphê thấp...
Vấn đề xây dựng thương hiệu cũng là điểm yếu của ngành càphê Việt Nam. Ông Lý Thanh Tùng, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch Đắk Lắk cho biết: “Nhờ thương hiệu Trung Nguyên được quảng bá ở nước ngoài nên giá 1kg càphê bột Trung Nguyên tại siêu thị ở sân bay Bangkok (Thái Lan) đạt khoảng 500.000 đồng. Trong khi đó, trong nước, cùng loại sản phẩm này chỉ có giá 70.000 đồng/kg. Đáng tiếc là hiện nay mới có vài doanh nghiệp như Trung Nguyên, Vinacafe... làm tốt công tác quảng bá thương hiệu”. Ông Vân Thành Huy, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) nhận xét: “Để xây dựng thành công một thương hiệu nổi tiếng, doanh nghiệp phải làm tốt các vấn đề về tiềm lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và chiến lược kinh doanh, tiếp thị hợp lý. Riêng về vốn, các doanh nghiệp phải xác định chi phí để quảng bá thương hiệu là rất lớn, do đó, phải có sự chuẩn bị chu đáo cho vấn đề này. Ngoài ra, cần phải đổi mới cơ chế quản lý trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc doanh”.
Đề cao văn hoá để quảng bá càphê
Ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng: “Càphê nước ta chủ yếu xuất thô, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khuyến cáo Việt Nam cần chú ý sáng tạo ra các loại càphê hỗn hợp với càphê Arabica, có giá thành hạ và đảm bảo các yêu cầu của khách hàng; sản xuất theo hướng Tổ chức Càphê quốc tế (ICO) đang đầu tư cho một số nước châu Phi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh lượng tiêu dùng càphê trong nước (hiện tiêu thụ càphê nội địa mới chỉ đạt khoảng 10% sản lượng, trong khi bình quân các nước thành viên ICO là 25,16%). Mỗi năm, bình quân một người Việt Nam uống 0, 5kg càphê, con số đó ở Bắc Âu là 10kg, Tây Âu 5-6kg”.
Một phương cách quảng bá thương hiệu rất hiệu quả cho cây càphê Việt Nam là đề cao yếu tố văn hóa. Rất nhiều thành phố, địa danh trên thế giới đã nổi tiếng bởi một loại sản phẩm rất bình thường mà nước ta cần học tập. Chẳng hạn Gilroy, vốn là thành phố “cấp ba” của Mỹ, nhưng mỗi năm thu hút trên 3 triệu du khách quốc tế đến nhờ lễ hội Tỏi; lễ hội Sò biển và Bia tại Sans Francisco ở Mỹ, hoặc ở OctoberFest Munich (Đức), mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn người; bang Texas (Mỹ) dù rất khô cằn nhưng thu hút mỗi năm hơn 100.000 khách quốc tế tới xem lễ hội Hoa hồng Tyler…
Để cây càphê ngày càng đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển kinh tế, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Có thể bắt đầu từ xây dựng thương hiệu sản phẩm, như tổ chức lễ hội tôn vinh càphê mà tỉnh Đắk Lắk đã làm nhiều năm nay...