Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắc Ninh: 73,1% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa
23 | 07 | 2007
Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành công tác chuyển đổi ở 87 xã, bằng 73,1% số xã có đất nông nghiệp; ở 382 thôn, bằng 58,3% số thôn và bằng 96% số thôn có kế hoạch (toàn tỉnh có 261 thôn không phải chuyển đổi). Có 95.922 hộ thực hiện công tác chuyển đổi ruộng đất bằng 50% số hộ đang sử dụng đất nông nghiệp với tổng diện tích chuyển đổi là 16.414ha, bằng 37% diện tích đất nông nghiệp đã giao lâu dài đến hộ nông dân.

Sau chuyển đổi về cơ bản đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún. Số thửa bình quân một hộ giảm từ 12 thửa xuống còn 7 thửa, diện tích bình quân một thửa tăng từ 180m2 lên 297m2, góp phần thực hiện đầu tư thâm canh và áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp được thuận lợi. Nhiều nơi quỹ đất công ích được dồn, ghép thành khu khoảnh riêng, thuận tiện cho quản lý của các cấp chính quyền và người nông dân sử dụng đất. Bên cạnh đó, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư cải tạo 590,77ha đất chưa sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, bằng 42,67% so với quy hoạch được duyệt, chủ yếu bằng hình thức cho các hộ nông dân thuê đất hoặc đấu thầu. Trong đó, diện tích đất bằng được khai thác cho trồng lúa là 6,73ha và mặt nước chưa sử dụng đưa vào nuôi trồng thuỷ sản là 584,04ha. Những huyện đưa được nhiều diện tích đất chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp là Lương Tài, Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành.

Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn quỹ đất, các địa phương trong tỉnh đã chuyển được 2.500 ha ruộng trũng cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, đưa diện tích mặt nước nuôi thả tăng lên 5.220 ha hiện nay. Tỉnh đã hình thành được 13 vùng sản xuất lúa hàng hoá với quy mô mỗi vùng từ 50 đến 100ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần lúa thường, 24 vùng sản xuất khoai tây, 26 vùng sản xuất rau xuất khẩu và một số vùng sản xuất hoa cây cảnh. Nhiều vùng cho giá trị sản xuất cao, điển hình là vùng khoai tây ở Việt Hùng, Quế Tân (Quế Võ) đạt doanh thu từ 45 đến 55 triệu đồng/ha/vụ đông; vùng chuyên rau ở Hoà Đình (thành phố Bắc Ninh) cho doanh thu 160 - 170 triệu đồng/ha/năm; vùng hoa cây cảnh ở Phú Lâm (Tiên Du) doanh thu đạt trên 200 triệu đồng/năm; mô hình hoa đồng tiền ứng dụng công nghệ cao ở Đình Bảng, Từ Sơn cho doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng/năm...

Theo kế hoạch, đến năm 2010, Bắc Ninh sẽ quy hoạch 4.000 ha để xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hoá và 6.000 ha để chuyên canh rau hoa, cây công nghiệp ngắn ngày chất lượng cao./.



Thông tấn xã Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường