Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sự việc "rau tăng phọt": Thực vật "quái dị"
14 | 03 | 2008
Một nhà báo về hưu tự đi tìm "thần dược" cho rau để chứng thực thông tin - Có hay không chuyện tăng phọt?. "Tôi khẳng định không dùng GA3!", TS Nguyễn Văn Khải quả quyết trước câu hỏi về thông tin loại thuốc đã gây chấn động dư luận thời gian qua.
Khi "máu nghề nghiệp" tự ái

Chiều ngày 10/3, nhà báo Ngọc Hùng, cựu nhân viên của VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam) tiếp chúng tôi tại tư gia với câu chuyện đi tìm "thần dược" đầy nỗi niềm: "Trước hai luồng thông tin trái chiều: Một bên khẳng định có loại thuốc khiến rau tăng trưởng trong thời gian ngắn; một bên phủ định và Chi cục Bảo vệ thực vật thì nhận định lấp lửng có thuốc tăng trưởng nhưng không đáng kể.

Bạn bè và người thân hỏi tôi: Vậy báo chí nói đúng hay Chi cục Bảo vệ thực vật nói đúng? Tại sao thông tin không nhất quán? Ngay cả báo chí còn không có chính kiến thì người dân biết hiểu như thế nào?". "Máu nghề nghiệp" nổi lên, nhà báo Ngọc Hùng bắt đầu đi tìm sự thật. Ông tìm gặp TS Nguyễn Văn Khải, chứng kiến ông tiến sĩ đầu bạc trực tiếp tiến hành thí nghiệm trên từng luống rau, ông nhanh tay "chụp" được mẫu vỏ thuốc pha trộn.

Nhà báo Ngọc Hùng, cựu nhân viên của VTV2 quả quyết:
"Tôi đã chứng thực được có sự tăng phọt!"

Nếu loại thuốc này có tác dụng kích thích tăng trưởng và vô hại thì tại sao các cơ quan có trách nhiệm không công khai nhập khẩu? Và nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì tại sao không công khai để người nông dân tự do sử dụng? Một điều kỳ lạ là khi tôi phun thuốc cho rau, các côn trùng như: bướm, o­ng, muỗi... không còn xuất hiện. Đặc biệt, rau mượt, mỡ và xanh hơn các cây cùng loại. Còn kết luận về thành phần, xuất xứ, ảnh hưởng của loại thuốc trên là việc của các cơ quan chức năng.

Cầm vỏ thuốc lặn lội tới các vùng rau Quốc Oai (Hà Tây), Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) và Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội), hầu hết những người trồng rau khi nhìn thấy vỏ thuốc đều có chung một câu trả lời: Họ vẫn dùng thuốc này phun cho rau, tuy nhiên, nếu không phải khách hàng thường xuyên thì rất khó mua. "Điều này chứng minh, lâu nay người dân đã có thói quen dùng loại thuốc này. Tôi đã bỏ ra một ngày rưỡi tìm mua thuốc nhưng không được. Cuối cùng, phải xin của một người dân!", ông Hùng cho biết.

Với viên thuốc duy nhất xin được, ông Hùng tiến hành thí nghiệm ngay tại vườn rau cải cúc nhà mình. Theo sự hướng dẫn của những người trồng rau lâu năm, một viên thuốc phải hòa với 20 lít nước. Nhưng ông Hùng pha thuốc với tỷ lệ: 7 lít nước/nửa viên và phun thử thành nhiều đợt. Luống rau cải cúc trong vườn nhà ông Hùng được chia thành 3 khu phân biệt:

Rau phát triển tự nhiên, rau đã trồng trước một tháng và rau có phun "tăng phọt". Trên luống có cắm một chiếc bảng ghi chi tiết thông tin về việc theo dõi phun thuốc cùng kích thước tăng trưởng. Sau 5 ngày rưỡi phun thuốc, luống rau được phun cao gấp gần 2 lần chiều cao những cây cùng loại không phun và cao hơn cả các cây đã trồng trước đó 1 tháng!

Kinh ngạc

Đứng bên luống rau tự trồng, ông Hùng bất ngờ đánh giá: Những luống rau được phun thuốc cao lớn khác thường so với các cây cùng loại và bắt đầu ra hoa. Trong khi những luống rau được trồng trước đó 1 tháng, hoa mới có lác đác. Qua quan sát, tôi thấy rau cải cúc phun thuốc tăng mạnh nhất vào ngày thứ 3. Sau một ngày có thể cao thêm 3cm. Tôi có chia một phần thuốc cho anh bạn trồng rau bí, với các loài thân đốt như rau bí, rau muống thì sự phát triển sau khi phun thuốc này thật đáng kinh ngạc.

Bất ngờ trước thông tin nhà báo Ngọc Hùng cũng trồng được những luống rau "tăng phọt", TS Nguyễn Văn Khải tìm tới tận nhà ông Hùng để chứng kiến. Trong một buổi gặp gỡ ngắn gọn nhưng khá đông các nhà báo tham dự, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với TS Nguyễn Văn Khải, ông cho biết: "Với thí nghiệm của mình, tôi khẳng định không dùng GA3.

Tại sao lại nói tôi dùng GA3? Việc có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, các bạn có thể quan sát cây được phun thuốc không có o­ng, bướm, sâu bọ để có câu trả lời. Và muốn chính xác hơn nữa, thì có thể đo độ độc hại. Qua nhiều ngày quan sát, tôi còn chứng kiến sự biến thái của cây, trở thành những loài thực vật quái dị. Bình thường người dân chỉ theo dõi đến ngày khi thu hoạch, không thể quan sát hết được cả vòng đời của cây.

Họ chỉ thấy cây nhanh lớn, xanh tốt là dùng, không thể biết được những thay đổi sau này. Những việc tôi công bố và đang làm không phải để cho các cấp quản lý quan tâm, tôi muốn người dân tự chứng thực, tự xem và đánh giá mức độ ảnh hưởng. Nếu hôm nay họ dùng loại thuốc gây biến thái, sản xuất ra những thực vật quái dị một cách vô thức thì lâu dần hóa chất đó sẽ ăn vào đất, vào nguồn nước,... và ảnh hưởng đến sức khỏe ngay tới chính những người nông dân.

Sẽ công bố kết quả thí nghiệm "rau tăng phọt" trong tháng 4

Đó là thông tin mà TS Bùi Sỹ Doanh, phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trao đổi với chúng tôi ngày 10/3. Theo đó, Bộ NN&PTNT đã tiến hành thí nghiệm về thuốc kích thích tăng trưởng trên rau tại 3 miền, rau được dùng để thí nghiệm là loại rau cải xanh. Ngày 8 đến 9/3, việc gieo hạt cải - bước đầu tiên của thí nghiệm này đã được tiến hành tại Quảng Ngãi và TPHCM (tại Hà Nội sẽ được gieo vào ngày 16 tới).

Riêng ở địa bàn Hà Nội, Hội đồng khoa học đã quyết định trồng thêm rau xà lách (trồng từ ngày 8/3). Cũng theo ông Doanh, sau khi gieo, trồng cây khoảng 15 ngày, các nhà khảo nghiệm sẽ phun thuốc kích thích tăng trưởng. Được biết, mỗi ô rau thí nghiệm sẽ rộng khoảng 50m2, phun 2 loại thuốc ngoài danh mục và 1 loại thuốc có tên trong danh mục, 1 luống rau sẽ không phun để làm đối chứng. Theo tính toán, tổng diện tích rau thí nghiệm tại mỗi điểm lên tới 1.100m2.

TS Doanh cho hay, theo lộ trình này, đến khoảng giữa đến cuối tháng 4 sẽ có kết quả đánh giá của hội đồng khoa học chuyên ngành nông nghiệp do Bộ NN&PTNT thành lập và sau đó, Bộ sẽ có công bố chính thức.


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Nguồn: Khoa học & Đời sống
Báo cáo phân tích thị trường