Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2008 của ngành nông nghiệp?
31 | 03 | 2008
Sắp tới có thể chính phủ sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 theo hướng giảm. Vậy chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 của ngành nông nghiệp sẽ được điều chỉnh như thế nào?
Trong cuộc họp báo mới đây của chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2008, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tình hình kinh tế khó khăn, cụ thể là lạm phát trong nước tăng cao dưới tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài “khoảng một năm” và trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ sẽ báo cáo việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2008. Trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 7,4% (quý 1 năm ngoái là 7,7%), và "trong tình hình hiện nay… nếu đạt mức tăng trưởng cả năm 7,5% cũng là cao”.[1]

Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng từ 8,5-9%[2] đã đề ra từ đầu năm thì chắc chắn sắp tới sẽ có sự điều chỉnh tương đối lớn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2008 của chính phủ. Cũng trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của Chính phủ, dự kiến ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng từ 3,5-4%.

Năm 2007, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đặt mục tiêu cho ngành nông nghiệp tăng trưởng chỉ là 3,5-3,8% nhưng thực tế kết thúc năm 2007 ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 3,4%, tức là thấp hơn mức tối thiểu trong kế hoạch năm 0,1% điểm. Với kết quả này, trong năm 2007, duy nhất ngành nông nghiệp không đạt được mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch của chính phủ.

Câu hỏi đượcđặt ra là dựa trên cơ sở nào mà kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008 của chính phủ lại đặt “mức trần” về tăng trưởng cao hơn cho ngành nông nghiệp (4% năm 2008 so với 3,8% năm 2007)? Sắp tới khi điều chỉnh (giảm) chỉ tiêu tăng trưởng toàn nền kinh tế nói chung thì mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ điều chỉnh như thế nào? Và những điều này đặt ra vấn đề gì về công tác dự báo và xây dựng kế hoạch phát triển của chính phủ và các Bộ, ngành?

Khó khăn đã được dự báo trước!

Trên thực tế, AGROINFO[3] đã dự báo khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tương đương như năm 2007 (3,4%) của ngành nông nghiệp đã là rất khó khăn chứ chưa nói tới đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Dự báo này được đưa ra dựa trên một số cơ sở chính là:

Các yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng GDP nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua đang tiếp tục suy giảm (đất đai, lao động) hoặc có tăng trưởng nhưng chậm (vốn), khả năng yếu tố khoa học công nghệ có thể phát huy ngay lập tức vai trò của mình đối với tăng trưởng GDP nông nghiệp trong một vài năm trước mắt là rất hạn chế.

Tình hình thời tiết, dịch bệnh tiếp tục được dự báo không thuận lợi và ảnh hưởng tới nhiều năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Giá các loại nguyên liệu và vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng cao.

Giá lương thực, thực phẩm thế giới tiếp tục tăng một phần do việc sử dụng ngũ cốc cho sản xuất nhiên liệu sinh học, làm chỉ số giá tiêu dùng nói chung tăng mạnh. Điều này lại ảnh hưởng ngược trở lại tới khả năng tái đầu tư của người sản xuất trong nông nghiệp do chi phí sinh hoạt tăng cao.

v.v…

Làm gì để nâng cao chất lượng công tác dự báo thị trường?

Một số chuyên gia gần đây cho rằng các giải pháp của các cơ quan chính phủ trước những diễn biến của thị trường là do công tác dự báo kém.[4] Chất lượng dự báo kém được giải thích do hai nguyên nhân chủ yếu:

Thứ nhất, công tác dự báo chưa có được sự rạch ròi giữa tính khách quan của công tác này với mục tiêu chủ quan của các chính sách.

Thứ hai, hệ thống số liệu và dữ liệu thông tin chuyên ngành, trực tiếp phục vụ công tác dự báo kinh tế chưa có tính thống nhất, không được phổ biến rộng rãi do còn thiếu các quy định về quản lý thông tin dữ liệu.

Tuy nhiên, nhận định này mới chỉ đề cập tới công tác dự báo của các cơ quan trực thuộc chính phủ và các bộ, ngành. Thực tế, từ kinh nghiệm trên thế giới, có thể thấy rất rõ hai khu vực-tác nhân chính thực hiện công tác dự báo:

Thứ nhất, các cơ quan dự báo thị trường của khu vực công với nguyên tắc hoạt động là một loại hình dịch vụ công (public service). Các cơ quan này nhận được sự đầu tư to lớn từ chính phủ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ phân tích và dự báo, cơ sở hạ tầng trang thiết bị và thông tin để cho ra những sản phẩm thông tin - dự báo có chất lượng cao phục vụ cho cả nhà nước, các doanh nghiệp và hộ gia đình, v.v… Đối với loại hình công tác dự báo này, hai nguyên tắc nhất định tuân theo đó là (i) đầu tư của nhà nước nhưng đồng thời phải tôn trọng tính khách quan, độc lập của các dự báo (ii) sản phẩm thông tin-dự báo không vì mục tiêu lợi nhuận. Ví dụ tiêu biểu cho mô hình này trong lĩnh vực nông nghiệp là các cơ quan như ABARE (www.abareconomics.com) của Úc hay ERS (www.ers.usda.gov) của Hoa Kỳ.

Thứ hai, các cơ quan, tổ chức dự báo thị trường của khu vực tư nhân hoạt động theo nguyên tắc thị trường với những sản phẩm nghiên cứu và dự báo thị trường đặc thù, chuyên sâu trong những lĩnh vực, ngành hàng nhất định tùy theo thế mạnh của mỗi đơn vị. Đây có thể là những công ty tư vấn, các tổ chức nghiên cứu, v.v…. Chính sự cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường sẽ thúc đẩy tính chuyên sâu của sản phẩm thông tin-dự báo trên nền tảng là các thông tin-dự báo có tính chất vĩ mô do các cơ quan dịch vụ công cung cấp.

Như vậy, để nâng cao chất lượng của công tác dự báo thị trường phải đồng thời phát triển cả hai khu vực trên mà trước hết là khu vực dự báo công để tạo nền tảng thông tin “tối thiểu” cho toàn bộ hoạt động quản lý của các cơ quan chính phủ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường.


[2] Nguồn: Văn phòng Chính phủ.

[3] Nguồn: AGROINFO, Báo cáo thường niên Nông nghiệp Việt Nam 2007 và triển vọng 2008.

[4] Nguyễn Minh Phong, Bị động trong kiểm soát lạm phát do dự báo kém, VnExpress, ngày 29/3/2008 (http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2008/03/3BA00B9B/)



Báo cáo phân tích thị trường