Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trọng yếu
21 | 09 | 2007
Một trong những định hướng nội dung thảo luận tại kỳ họp Quốc hội lần này là chính sách điều hành và khả năng điều chính giá nhiều mặt hàng trọng yếu trong năm tới.

Định hướng trên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong báo cáo trước Quốc hội sáng nay (17/10): “Trong năm 2007, phải khẩn trương xây dựng các chính sách và thực hiện lộ trình hợp lý của việc điều hành giá cả đối với những hàng hóa thiết yếu theo nguyên tắc của thị trường, có sự can thiệp thích hợp của nhà nước”.

Cụ thể, trong năm 2007, các mặt hàng xi măng, sắt thép, phân bón sẽ kinh doanh theo giá thị trường và sẽ không bù lỗ giá xăng, giảm mạnh bù lỗ giá dầu; hạn chế xuất khẩu và không bù lỗ giá than (trừ giá than cung cấp cho phát điện); triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh phù hợp về giá bán điện, không bao cấp tràn lan.

Mục đích của cơ chế điều hành trên là nhằm “làm giảm tối đa những sai lệch và bất hợp lý trong hạch toán sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực thích nghi của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, giảm gánh nặng bù lỗ của ngân sách nhà nước, đồng thời phải kiểm soát được thị trường, bảo đảm cung cầu, không để đầu cơ gây đột biến về giá cả”.

Trên thực tế, giá sắt thép hiện nay đang được vận hành theo giá thị trường, phần lớn phụ thuộc vào biến động giá phôi trên thế giới. Giá xi măng, sau hai lần kiến nghị, gần đây, giá một số loại xi măng cũng đã bắt đầu tăng nhẹ.

Về hai mặt hàng trên, yêu cầu đặt ra là mức giá cần được điều hành phù hợp với việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng, nhất là đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia trong những ngành hàng này.

Về giá xăng, Bộ Thương mại cũng đã truyền đạt hướng chỉ đạo của Chính phủ, dần đưa giá xăng theo giá thị trường vào cuối năm nay, tiến tới không bù lỗ cho mặt hàng này và đảm bảo doanh nghiệp kinh doanh có lãi.

Với mặt hàng dầu, định hướng giảm dần bù lỗ cũng đã được liên bộ Thương mại – Tài chính đề cập trong những lần điều chỉnh giá gần đây. Theo đó, dự kiến cuối năm 2008, mặt hàng dầu sẽ dẫn thoát khỏi tình trạng bù lỗ. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Ngân hàng của Quốc hội sáng nay cũng đưa ra yêu cầu “ cần thực hiện lộ trình giảm bù lỗ sớm hơn từ ngân sách nhà nước trong kinh doanh mặt hàng dầu”.

Ủy ban này cũng đưa ra yêu cầu, trong năm 2007, trên cơ sở xác định rõ lộ trình, cần đưa vào dự toán ngân sách nhà nước khoản chi bù lỗ dầu để đảm bảo minh bạch và rõ ràng hơn; không để số chi bù lỗ dầu hàng ngàn tỷ đồng ngoài dự toán như những năm vừa qua.

Trong năm 2006, theo báo cáo của Chính phủ, phí xăng dầu là một trong hai chỉ tiêu không đạt mức thu đề ra, chỉ đạt khoảng 88% (chỉ tiêu thứ hai là thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ đạt khoảng 87,9%). Đây cũng là “thường lệ” của thu phí xăng dầu từ năm 2003 trở lại đây (năm 2003 giảm thu 146 tỷ đồng, năm 2004 giảm 282 tỷ đồng, năm 2005 giảm 207 tỷ đồng và năm 2006 giảm khoảng 581 tỷ đồng so với dự toán).

Điểm đáng chú ý trong điều hành giá năm tới là giá mặt hàng than có thể sẽ tăng. Trong những năm gần đây, giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao, tác động của mặt bằng giá thế giới (đặc biệt là giá dầu) buộc giá than, điện phải thuộc danh mục bình ổn. Để bình ổn, nguồn than xuất khẩu được giá được xem là một khoản “bù chéo” cho giá trong nước.

Tuy nhiên, trong năm 2007, định hướng chung là sẽ hạn chế xuất khẩu và không bù lỗ giá than (trừ giá than cung cấp cho phát điện). Như vậy, giá than có thể sẽ tăng để đảm bảo nguồn thu và để doanh nghiệp cân đối kinh doanh.

Riêng giá điện, báo cáo của Chính phủ chỉ nêu là sẽ “triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh phù hợp và không bao cấp tràn lan”. Lộ trình này dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận cụ thể trong chương trình nghị sự sắp tới.

Như vậy, giá nhiều mặt hàng trọng yếu trong năm tới sẽ được điều chỉnh; và rất có thể theo chiều hướng tăng chung của thị trường thế giới. Đây sẽ là một áp lực mới đối với việc kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm nay, tốc độ tăng giá tiêu dùng sẽ giao động trong khoảng 7 – 7,5% (kế hoạch là thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế). Chính phủ cũng dự kiến năm nay tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 8,2%, cao hơn kế hoạch là 8%.

Còn trong năm 2007, mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là tăng trưởng kinh tế sẽ tăng khoảng 8,2 – 8,5% và tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn những tỷ lệ này.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường