Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Tây: sản phẩm gỗ Lũa ngày càng thu hút người tiêu dùng
12 | 07 | 2007
Hà Tây là một trong số rất ít những địa phương có nghề gỗ lũa phát triển, luôn giữ vị trí hàng đầu trong việc đưa ra thị trường những bộ gỗ lũa tinh xảo, độc đáo nhất.

Gỗ lũa là tên gọi để chỉ các sản phẩm như bàn, ghế, đôn, sập... được làm từ những gốc, rễ cây cổ thụ, nhờ bàn tay sáng tạo của người thợ thủ công trở thành những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, hữu ích. Hiện nay, sản phẩm này đang ngày càng tăng sức hấp dẫn đối với khách hàng ở cả trong nước và nước ngoài.

Theo một số gia đình chuyên làm nghề gỗ lũa ở xã Đông La (huyện Hoài Đức), thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), trong những tháng cuối năm này, các cơ sở sản xuất gỗ lũa luôn ở trong tình trạng khan hàng, cung không đủ cầu. Không ít khách hàng muốn có một bộ bàn, ghế, đôn trang trí làm từ gốc, rễ cây, đã phải " ăn chực nằm chờ" hàng tuần để mua được một bộ ưng ý vừa xuất xưởng.

Anh Tạ Công Tường, chủ một cơ sở chuyên sản xuất các mặt hàng gõ lũa nổi tiếng ở làng Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức cho biết: Chỉ tính từ đầu tháng 8 dương lịch đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình anh đã xuất xưởng 70 bộ gỗ lũa sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và bán lẻ ở thị trường trong nước trên 60 bộ, đạt tổng doanh thu gần 3 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với cùng thời điểm năm trước.

Dự đoán từ nay đến cuối năm, nhu cầu mua các sản phẩm gỗ lũa sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở thị trường trong nước do tâm lý mua sắm trang trí nhà cửa, khách sạn, khu vui chơi giải trí... thường tập trung vào dịp lễ, Tết. Trung bình một bộ gỗ lũa đơn giản, có hình dáng không quá cầu kỳ hiện có giá 1,5 đến 2 triệu dồng. Đối với những bộ có dáng to, đẹp, uốn lượn độc đáo với nhiều hình con giống được khắc, chạm trên cơ sở các đường nét có sẵn ở thớ gỗ được làm từ gốc, rễ của các cây gỗ quí như gù hương, đinh hương, giá có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Sản phảm cầu kỳ, lại thường trong tình trạng "khan hàng" nên mức lương trung bình của mỗi người thợ gỗ lũa khá cao thường từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, điều khiến các cơ sở sản xuất và kinh doanh gỗ lũa lo lắng nhất là không có đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất bởi hiện nay, những gốc cây gỗ quí, cổ thụ được phép khai thác ngày càng ít dần, hầu hết các diện tích rừng trồng mới lại chưa đủ thời gian để có một bộ gốc, rễ to, đẹp. Trong khi đó , nhu cầu của khách hàng đối với mặt hàng này vẫn liên tục tăng, nên tình trạng " khan hàng" là điều sẽ còn xảy ra dài dài đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo này./.



(Nguồn tin: TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường