Các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo trong đó có Việt Nam đang đứng trước một thực trạng rất mâu thuẫn: Do bị tụt hậu về khoa học kỹ thuật và công nghệ nên các nước này phải nhập khẩu các thành quả khoa học kỹ thuật và công nghệ từ các nước phát triển để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong nước. Việc nhập khẩu khoa học công nghệ này thường phải trả một chi phí rất cao, và đôi khi cũng đem lại rủi ro khá lớn nếu không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào việc nhập khẩu khoa học và công nghệ, không những phải chịu chi phí cao về tài chính mà về lâu dài còn dẫn đến nguy cơ phụ thuộc và sự tụt hậu lớn hơn của nền khoa học công nghệ trong nước. Câu hỏi được đặt ra là: Khi nào, trong trường hợp nào thì các nước kém phát triển nên sử dụng công nghệ mới để vừa tạo ra hiệu quả tối ưu về mặt kinh tế lại không làm trầm trọng hơn sự phụ thuộc về mặt khoa học và công nghệ vào bên ngoài?
Để trả lời cho câu hỏi này, ngày 19/8/2006, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học về chủ để “Khoa học và Công nghệ với tăng trưởng kinh tế” với diễn giả chính là GS.TS Lê Văn Cường đến từ Trung tâm nghiên cứu kinh tế, Đại học Sorbonne (Paris, Pháp). Với các tiếp cận toán học, đặc biệt là trong viêc sử dụng các mô hình toán kinh tế, các kịch bản được coi là “tối ưu” khác nhau trong vấn đề sử dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tại các nước đang phát triển đã được phân tích dựa trên việ xem xét quan hệ giữa các biến số chính: vốn vật chất (physical captial, ví dụ như hệ thống cơ sở hạ tầng), tiến bộ kỹ thuật (technological progress)-bao hàm vốn công nghệ (technological capital) và lao động lành nghề (skilled labor).
Một số kết luận đáng chú ý rút ra từ việc phân tích mô hình trên bao gồm:
- Trong giai đoạn đầu của phát triển, chiến lươc tối ưu cho các nước đang phát triển không phải là nhập khẩu vốn công nghệ. Trong trường hợp này, toàn bộ nguồn lực của nền kinh tế sẽ được dành hết cho tiêu dùng hoặc đầu tư cho vốn vật chất chứ không phải là cho hoạt động nghiên cứu (research activity). Cũng trong giai đoạn này, các công nghệ mới rất khó có thể phổ biến cho nền kinh tế.
- Giai đoạn nói trên sẽ diễn ra đến một điểm ngưỡng (threshold) khi mà các công nghệ mới bắt đầy có tác động đến hiệu suất của khu vực tiêu dùng công nghệ (consumption sector). Điểm ngưỡng này lại tùy thuộc vào ba yếu tố: trình độ của nguồn nhân lực sẵn có (available human capital), giá của vốn công nghệ (price of technological capital) và lợi tức khởi phát của nền kinh tế (initial income of economy).
- Nhưng để phát huy giá trị của ba yếu tố nói trên lại đòi hỏi, ở một giai đoạn nhất định, phương án tối ưu cho nền kinh tế là nhập khẩu vốn công nghệ để có thể tạo ra những công nghệ mới. Kể từ thời điểm này, hoạt động nghiên cứu sẽ đem lại một sự thay đổi công nghệ mang tính chất “nội sinh” (endogenous technical change) và nền kinh tế sẽ tăng trưởng nội sinh một cách tối ưu (optimal endogenous growth).
- Giá trị khởi phát của vốn con người (initial value of human capital) giữ một vai trò cốt yếu trong toàn bộ quá trình như đã nói ở trên. Vậy nhưng có một sự hoán chuyển giữa hai khu vực lao động (high-skilled and low-skilled workers), và sự tăng trưởng nội sinh có thể vẫn diễn ra cho dù một số lượng lớn lao động có trình độ cao không được sử dụng một cách hợp lý cho hoạt động nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải bao giờ cũng là tối ưu nếu duy trì một số lượng thật lớn các lao động có trình độ cao (đặt trong quan hệ với việc dịch chuyển lao động tới các khu vực sản xuất và tiêu dùng công nghệ).