Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quốc hội thảo luận dự luật Thuế thu nhập cá nhân: Đánh thuế phải “khoan sức dân”
01 | 07 | 2007
Hàng chục ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB QH) hôm qua 9-11 đã bày tỏ băn khoăn, lo lắng của cử tri xung quanh dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân khi QH thảo luận về dự luật này. Nhiều ý kiến tập trung vào những nội dung nhạy cảm như thu nhập tới mức nào phải chịu thuế, có nên đánh thuế trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm, làm sao để kiểm soát thu nhập và đảm bảo dự luật sẽ khả thi...

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: lợi bất cập hại?

Đó là nhận xét chung của phần lớn ĐB QH tham gia thảo luận hôm qua. ĐB Đặng Thị Phượng (Tây Ninh) băn khoăn qui định này vừa không khả thi vừa ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, đặc biệt sẽ “hạn chế việc huy động vốn đầu tư phát triển từ tiền nhàn rỗi của dân”.

ĐB Phượng phân tích: tâm lý người gửi tiết kiệm thường xem đó là “khoản tiền để dành” hoặc để tăng thêm thu nhập cho chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. “Khi bị đánh thuế, “dù ít hay nhiều cũng sẽ tạo tâm lý không tốt”, người dân sẽ chuyển sang mua vàng, ngoại tệ cất giữ; hoặc sẽ lách luật bằng cách chia nhỏ tiền gửi tại nhiều ngân hàng khác nhau, nhờ người thân đứng tên...” - bà Phượng nêu ra hàng loạt tình huống. “Vừa rồi qui định mỗi người đăng ký một xe máy, người ta “lách” bằng cách gửi người khác đứng tên, chuyện tiền gửi tiết kiệm rồi cũng thế thôi...” - ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cảnh báo.

ĐB Châu Thị Lê (Bình Thuận) cũng tán thành cho rằng ngay cơ quan soạn thảo cũng xác định “thuế thu nhập cá nhân từ lãi tiết kiệm không lớn”, chẳng hạn 700 triệu đồng chỉ phải nộp thuế khoảng 50.000 đồng. “Nếu chưa phải là khoản thu lớn cho ngân sách, chưa nên đưa vào diện thu thuế ngay trong luật này” - bà Lê đề nghị QH.

Hơn nữa, theo ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM), tiền gửi khi vào ngân hàng, được ngân hàng sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, qua đó tiền lãi đã được tính thuế rồi. Phần lãi còn lại chi cho người gửi tiết kiệm nếu “nay thu thuế thu nhập nữa là chưa hợp lý” - ông nhận xét. “Một số cô bác, cử tri hưu trí gặp tôi, đề nghị tôi thưa với QH và bộ trưởng Bộ Tài chính: hoàn cảnh đa số cán bộ hưu trí không chỉ chi tiêu hằng ngày bằng đồng lương hưu trí mà còn từ tiền lãi tiết kiệm tích cóp được” - ông Lập trình bày.

Tuy nhiên, ở góc độ người làm ngân sách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - ngân sách Tào Hữu Phùng lo “nếu bỏ đi (qui định về đánh thuế trên lãi suất tiền gửi - PV), lấy gì đáp ứng nhu cầu sống còn của đất nước”. Ông đề nghị QH cân nhắc giữa “khoan sức dân” và nộp thuế thu nhập, bởi “cứ thiên về “bỏ” sẽ rất khó cân đối được ngân sách”.

Khởi điểm thu nhập chịu thuế: 4 hay 5 triệu?

“Nên ở mức 5 triệu đồng, vì 4 triệu hiện nay chỉ là trên mức trung bình” - ĐB Lê Thị Nam (Bình Dương) đề xuất. Theo bà Nam, với thu nhập trên mức trung bình, người dân chỉ có thể đủ sống, nhưng “người ta sống không phải chỉ để ăn; còn ở thì sao?”. ĐB này cho rằng “nếu không tích lũy, không thể nào có nhà ở được”.

“Không nên qui định “cứng” 4 hay 5 triệu đồng vì cuộc sống ngày càng phát triển, mức sống hôm nay sẽ rất khác vài ba năm sau” - ĐB Lê Văn Cuông lên tiếng. ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) tán thành cho rằng “tháng 11-2006 chúng ta ngồi bàn 4 triệu hay 5 triệu để đưa ra lấy ý kiến toàn dân, nhưng tháng mười một sang năm tình hình kinh tế đã khác và chắc chắn đất nước sẽ phát triển hơn”.

Ông Tào Hữu Phùng giải thích: Theo dự thảo, nếu thu nhập là 5 triệu đồng, sau khi trừ bản thân người nộp 5 triệu và trừ gia cảnh tối đa 10 triệu, từ triệu thứ 16 mới phải chịu thuế. Theo cách đó, với thuế suất 5%, tức là người nộp chỉ phải nộp 50.000 đồng và được hưởng 15.950.000 đồng. “Tôi thấy như vậy quá là khoan sức dân rồi” - ông Phùng nhận xét.

ĐB Trần Hồng Việt (Cần Thơ) băn khoăn về ảnh hưởng của yếu tố trượt giá. Ông ủng hộ cách tính linh động hơn: sau khi giảm trừ gia cảnh mà mức thu nhập bằng 3,5 lần trở lên so với GDP bình quân đầu người mới phải nộp thuế. Hằng năm, theo ĐB Việt, trên cơ sở tính toán GDP, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về mức khởi điểm thu nhập chịu thuế.

ĐB Lê Xuân Thân nhận định: Muốn thu được thuế thu nhập, điều trước tiên là phải kiểm soát thu nhập, từ thu nhập bao nhiêu thì mới định ra thuế. “Làm không khéo sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm, đặc biệt là trốn thuế sẽ rất nhiều” - ông này cảnh báo. ĐB Thân đề nghị: ngay trong năm 2007, Chính phủ “phải trình một đề án về việc thực thi các giải pháp để kiểm soát thu nhập dân cư”, trước khi đi tới việc thực thi sắc thuế này.

Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, có thể dự luật này sẽ được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và dự kiến cuối năm 2007 thông qua, có hiệu lực từ 1-1-2009.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Dương Thu Hương (ảnh):

Ba lý do không nên đánh thuế trên lãi tiền gửi tiết kiệm

Thứ nhất, nhu cầu huy động vốn nhàn rỗi trong xã hội thông qua hệ thống ngân hàng hiện nay rất lớn. Có khoảng 80-90% số DN đang dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, cũng như mở rộng đầu tư phát triển. Trong khi Nhà nước đang khuyến khích người dân gửi tiền, nếu qui định đánh thuế thu nhập trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ dẫn tới việc người dân không gửi nữa. 

Thứ hai, bản chất tiền gửi tiết kiệm của người dân VN không giống với các nước khác. Đây thực chất không phải là một dạng đầu tư, bởi nếu có nhiều tiền người ta sẽ đầu tư vào kinh doanh chứng khoán, địa ốc... Bản chất tiền gửi ở VN là sự dành dụm phòng lúc ốm đau, hoặc dành dụm sau này nghỉ hưu. Mọi công chức đều có ý thức dành dụm như vậy. Ở nước ngoài, do tổ chức an sinh xã hội tốt, lương hưu đủ sống nên tiền gửi là một cách đầu tư.

Thứ ba, tình trạng trượt giá, lạm phát hiện nay đã đáng lo ngại như vậy, nếu đánh thêm thuế thu nhập trên lãi suất tiền gửi, việc gửi tiền tiết kiệm sẽ không còn ý nghĩa. Chẳng hạn lãi suất tiền gửi tiết kiệm năm 2005 là khoảng 9%, còn trượt giá trên 8%, người gửi thực tế chỉ cầm lại được khoảng 1% tiền lãi. Nếu số này bị đánh thuế thu nhập 5% nữa thì hầu như không còn gì. 



(Nguồn: Tuổi trẻ)
Báo cáo phân tích thị trường