Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế nông nghiệp - nông thôn: Liên kết hậu WTO
01 | 10 | 2007
Hiện nay, toàn quốc có hơn 700 ngàn trang trại, 80% các chủ trang trại là nông dân. Đây là một thị trường rộng lớn chiếm đến 75% dân số. Các DN nông nghiệp - nông thôn phải làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế?

Đây là nội dung buổi tọa đàm chính của “DN nông nghiệp - nông thôn trên đường hội nhập WTO” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Nâng cao tri thức hội nhập cho nhà nông

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit trăn trở: Phải nhìn nhận lại nền nông nghiệp nước ta hiện nay để xem đầu tư cái gì, khi mà bà con ta canh tác rất giỏi, nhưng vẫn nghèo? Theo ông Viên thì từ trước đến nay chúng ta mới chỉ quan tâm đến giống, mà chưa có đầu tư đúng mức cho các kênh phân phối sản phẩm của nhà nông. Bao nhiêu năm nay nông dân dựa chủ yếu vào thương lái. Trước đây, lực lượng này có vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hoá cho nông dân, nhưng khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, thì chính lực lượng này lại là người phá vỡ và huỷ hoại nông dân. Bởi họ đã bít hết thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật… làm cho người sản xuất không có ý thức được về thị trường.

Vậy làm thế nào để nông dân Việt Nam không bị thương lái bắt chẹt? Muốn làm được điều này đòi hỏi phải xây dựng được một kênh phân phối tốt hơn. Đây là vấn đề khó khăn, có thể là Nhà nước đứng ra làm, hoặc Nhà nước tạo cơ chế cho các DN làm để hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Muốn xóa bỏ cái cố hữu đã ăn sâu vào nhà nông, cần phải nâng cao tri thức cho nông dân và DN. Không nên cứ nói bao tiêu sản phẩm, nhưng DN lại không theo sát quá trình sản xuất của nhà nông và đẩy người sản xuất rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Muốn làm được những điều đó, bản thân nhà DN phải có giống, vật tư nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch và kênh phân phối sản phẩm hoàn chỉnh. Khi đã có kênh phân phối tốt đương nhiên giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông sản… đủ năng lực cạnh tranh với thế giới.

Không thể mạnh ai nấy làm

Tiến sỹ Vũ Ngọc Kỳ, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Năng lực sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn Việt Nam hiện nay tăng rất chậm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng vùng chưa đồng đều, làm hạn chế thế mạnh từng ngành, từng sản phẩm nông sản hàng hóa như: rau, quả, thịt, sữa, đậu đỗ… giá thành vẫn cao hơn nước khác đó là những khó khăn khi Việt Nam hội nhập. Để khắc phục những khó khăn đó, hai khâu quan trọng nhất phải làm ngay là giống và hệ thống phân phối. Nên có kế hoạch phát triển từng loại cây trồng, xây dựng hệ thống quy trình giảm giá thành để nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu. Đổi mới công nghệ và đặc biệt là thực hiện triệt để yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn EU, Nhật, Mỹ.

Hiện trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực đang và sẽ là những thách thức dài hạn, gay gắt nhất đối với các DN nông thôn, nông nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, các yếu tố đầu vào còn phụ thuộc vào thị trường nguyên liệu như hiện tại, đã làm giảm tính chủ động kinh doanh của DN. Xu thế hội nhập hiện nay, không còn bảo hộ thị trường nội địa bằng hàng rào thuế quan, thách thức lớn nhất chính là khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nông dân Việt Nam hầu hết vẫn làm ăn riêng lẻ. Hội nhập kinh tế quốc tế, các DN nông nghiệp - nông thôn không còn con đường nào khác là phải tự nỗ lực nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thiểu nguy cơ bị “tổn thương” khi Việt Nam đã trở thành viên chính thức của WTO. Muốn vậy cần phải tập trung phát triển một số sản phẩm chọn lọc, mũi nhọn và đặc biệt là xây dựng mối liên kết giữa các DN tạo ra sức mạnh tập thể để các DN Việt Nam có thể hỗ trợ lẫn nhau trong cạnh tranh quốc tế



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường