Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp trên sàn vật lộn với khủng hoảng
14 | 03 | 2009
Lãnh đạo một công ty cho biết, ông đã quen với việc mỗi sáng mở báo ra, lại chuẩn bị tinh thần đón nhận tin một ngân hàng nào đó trên thế giới đóng cửa. Hơn 80% công ty niêm yết tại Việt Nam trong năm qua có chi phí tài chính tăng so với trước.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Công ty CP Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), chia sẻ, ông đã chứng kiến những nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất và xây dựng nhà xưởng nhưng rồi xin rút vốn vì không còn thị trường và hẹn quay lại vào năm sau. Chưa thể khẳng định thị trường chứng khoán đã chạm đáy hay chưa, và suy thoái liệu đã đến điểm dừng, ông Tâm cho rằng, tình trạng này khiến doanh nghiệp khó khăn khi đưa ra chiến lược và quyết sách đúng.

Với ông Đinh Công Hùng, Tổng giám đốc Công ty Dệt may Thành Công (TCM), khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu và sử dụng nhiều nhân công như dệt may có thể còn gấp đôi những nơi khác. Thị trường xuất khẩu của ngành thu hẹp, vốn vay khó tiếp cận trong một thời gian dài khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cuối năm 2008, nhiều doanh nghiệp may hàng xuất khẩu "xả hàng" tại thị trường trong nước, bởi khó xuất sang thị trường nước ngoài. Song theo ông Hùng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiêu thụ hàng trong nước, bởi còn phụ thuộc từng mặt hàng có phù hợp với thị trường nội địa hay không. Mặt khác, để chuyển hướng về trong nước, doanh nghiệp cũng cần có thời gian để chuyển đổi, chứ không thể ngày một ngày hai.

Khó khăn kinh tế khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trở nên khó hơn bao giờ hết, cả về vốn cổ phần do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và ở cả vốn vay do lãi suất huy động có thời điểm ở mức cao. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện các kế hoạch đầu tư đã đề ra. Cùng lúc, sự sụt giảm của thị trường xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ảnh hưởng đến báo cáo tài chính. Nhưng điều doanh nghiệp lo ngại nhất là những biến động của thị trường, độ phức tạp và khó dự báo, cũng như việc suy thoái toàn cầu sẽ kéo dài trong bao lâu.

Một số doanh nghiệp niêm yết thua lỗ vì đầu tư tài chính và chi phí tài chính tăng cao. Nhiều nơi buộc phải tăng cường trích lập rủi ro do giá trị danh mục đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản sụt giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ hoặc lợi nhuận sụt giảm.

Theo ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ các công ty niêm yết, đây là một nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là mục tiêu lợi nhuận, phải điều chỉnh. "Đây là kinh nghiệm đối với doanh nghiệp đầu tư tài chính theo phong trào và xa rời hoạt động giá trị cốt lõi của mình", ông Nguyễn Băng Tâm nhận định. Theo thống kê của Câu lạc bộ các công ty niêm yết, trên 80% doanh nghiệp niêm yết có chi phí tài chính năm 2008 tăng cao hơn 2007.

Nhưng với sếp của nhiều doanh nghiệp, kinh tế suy thoái không nhất thiết đồng nghĩa với sản xuất co cụm. Nhìn nhận kinh tế luôn vận động theo chu kỳ, ông Đặng Thành Tâm cho rằng, vẫn có cơ hội để biến những mối lo thành cơ hội làm ăn. Tốc độ giải phóng mặt bằng của KBC trong những tháng gần đây tăng gấp đôi so với thời kỳ trước, do giá bất động sản giảm, giá thành xây dựng cũng rẻ hơn trước 40%. Trong suy thoái, ông tuyển được nhân viên giỏi với mức lương chỉ bằng phân nửa ngày trước.

Ông Tâm cho hay, với dự báo các nền kinh tế cần khoảng 2 năm để phục hồi, thì đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để đầu tư đón đầu. Thực tế ông Tâm đã có kinh nghiệm về việc đón đầu thị trường từ mươi năm trước. Năm 1997, khi khủng hoảng tài chính châu Á lan rộng, thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng giảm rất mạnh và đến năm 2000 mới tăng trở lại. Nhưng khi đó ông vẫn quyết định vay hơn 20 triệu USD để đầu tư hạ tầng công nghiệp và chuẩn bị một lượng hàng khi các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.

Song trong trường hợp không đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, mà sản xuất trực tiếp và cần đầu ra cho sản phẩm, ông Đặng Thành Tâm cũng thừa nhận, sẽ khó khăn hơn rất nhiều. "Khi đó cũng khó tránh được việc phải thu hẹp sản xuất", ông nói.

Kết quả kinh doanh không được như những năm trước, cổ đông không hài lòng, song theo ông Đinh Công Hùng, doanh nghiệp đã làm hết sức mình thì cổ đông cũng sẽ có cái nhìn cảm thông. "Mọi việc làm đều thực hiện theo nghị quyết của Đại hội cổ đông, và họ cũng phần nào hiểu được tình hình", ông Hùng chia sẻ. Nhìn tình hình chung doanh nghiệp nào cũng khó khăn, ông cho rằng, doanh nghiệp giữ được sản xuất ổn định và tránh mọi sự đổ vỡ là một thành công.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường