Giá đường sẽ giảm dần
Từ đầu tháng 10-2006 đến nay, giá đường bán ra tại các nhà máy liên tục giảm và đứng ở mức thấp, hiện chỉ còn 7.000-7.600 đồng/kg tùy loại. So với thời điểm “sốt giá” trong năm nay, giá đường đã giảm 4.000-5.000 đồng/kg. Với mức giá này, đường nội địa đã “đánh bật” đường nhập lậu từng tràn ngập khu vực phía Nam trong thời gian qua.
Những nước sản xuất đường lớn trên thế giới vẫn đang trợ giá cho người trồng mía thông qua hình thức bảo hộ xuất khẩu đường làm cho giá đường thế giới rẻ và dưới giá thành sản xuất. Trong đó, các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) thực hiện chính sách bảo hộ xuất khẩu đường với mức hỗ trợ lên đến 744 USD/tấn. Từ tháng 6-2006, mức hỗ trợ này mới được cắt giảm xuống còn 622 USD/tấn và còn 426 USD/tấn vào năm 2012. Chính sách này gây khó khăn cho những nhà sản xuất ở các nước không có điều kiện trợ giá cho người sản xuất mía đường. |
Tuy nhiên, giá đường trong nước hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức giá đường bình quân của thế giới. Giá đường thế giới bình quân 350-370 USD/tấn, tính ra chỉ 5.500-5.600 đồng/kg. Do Nhà nước bảo hộ ngành đường bằng thuế suất nhập cao và hạn ngạch nhập khẩu nên đường nhập khẩu vào VN rất hạn chế. Tuy nhiên, “người tiêu dùng sẽ không còn phải ăn đường giá cao trong những năm tới...” - ông Lê Văn Tam, chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN, cho biết. Theo các nhà sản xuất và kinh doanh đường, những năm tới sẽ không còn xảy ra những cơn “sốt giá” như thời gian qua, nguyên nhân là do nguồn cung đường trong nước rất dồi dào, bên cạnh đó còn có đường nhập khẩu, chưa kể sản phẩm đường nhập khẩu chính ngạch.
Trong cam kết gia nhập WTO của VN, đến năm 2012 VN sẽ cắt giảm 85% mức thuế nhập khẩu đường, cao nhất chỉ còn 6%. Tuy nhiên, trước mắt giá đường sẽ bị tác động bởi lộ trình giảm thuế của Khu vực Tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Theo đó, từ năm 2007 VN giảm thuế nhập khẩu đường còn 30%, sau đó giảm thêm và chỉ còn 5% vào năm 2010.
Khó cho nhà sản xuất
Theo ông Nguyễn Thành Long - giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, giá thành đường sản xuất trong nước cao hơn giá đường thế giới một phần là do qui mô sản xuất nhỏ, lẻ. Tại khu vực ĐBSCL hiện nay, hầu hết diện tích mía của nông dân chỉ ở qui mô 1-2ha nên không thể áp dụng cơ giới hóa mà chủ yếu sử dụng lao động thủ công làm giá thành sản phẩm bị đẩy lên rất nhiều. Qui mô sản xuất nhỏ nên nông dân cũng không có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ, vì vậy năng suất mía không cao, chỉ khoảng 50-70 tấn mía/ha. Tại khu vực miền Đông Nam bộ, theo bà Phạm Thị Sum - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, giá thành sản xuất mía cũng cao ngất ngưởng, lên tới 20 triệu đồng/ha. Mặc dù khu vực miền Đông Nam bộ có lợi thế là giao thông thuận lợi nhưng khá đông người trồng mía ở đây đều phải... thuê đất.
Một trở ngại nữa là công nghiệp chế biến đường VN chủ yếu là những nhà máy đường công suất nhỏ, lại phân bố không đều so với vùng nguyên liệu. Tại ĐBSCL hiện có 8-9 nhà máy đường, các nhà máy cùng có chung vùng nguyên liệu nên phải tranh giành, đẩy giá mua mía lên cao hoặc rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu.
Hỗ trợ người trồng mía
Ông Nguyễn Thành Long tính toán với năng suất mía khoảng 70 tấn/ha, nếu lợi nhuận của người trồng mía đạt mức 100 đồng/kg, thu nhập ròng của người trồng mía chỉ đạt 7 triệu đồng/ha cho một năm sản xuất, không thể sống được. “Những hộ trồng mía với diện tích nhỏ, lẻ sẽ không thể tồn tại trong thời gian tới...” - ông Long khẳng định.
Hiện nhiều nước là thành viên WTO vẫn áp dụng chính sách bảo hộ ngành mía đường. Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp, người nông dân và các doanh nghiệp mía đường VN vẫn phải tự xoay xở, các địa phương chưa có chính sách gì hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông để nâng cao năng suất mía và thuận lợi cho vận chuyển nguyên liệu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành mía đường VN khi VN gia nhập WTO.
Theo các chuyên gia, việc hỗ trợ nông dân sau khi VN gia nhập WTO là có thể thực hiện được. Trong cam kết với WTO, VN được phép duy trì hỗ trợ không quá 10% giá trị sản lượng, chưa kể một khoản hỗ trợ khác khoảng 4.000 tỉ đồng/ năm.
“Trong năm tới, mức thuế nhập khẩu đường vẫn còn ở mức cao, chưa kể hạn ngạch bắt buộc phải nhập khẩu theo cam kết chỉ có 55.000 tấn đường, nhà sản xuất đường và nông dân trồng mía chưa gặp khó khăn gì nhiều. Nhưng nếu không chuẩn bị từ bây giờ, hàng loạt nhà máy và nông dân trồng mía sẽ không thể tồn tại về lâu dài...” - ông Long nhận định.