Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều cơ chế mới về lao động
03 | 08 | 2007
Trở lại sau thời gian tổ chức Hội nghị APEC, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI bắt đầu chương trình biểu quyết, thông qua luật theo kế hoạch. Trong ngày 21/11, 3 đạo luật tạo cơ chế mới về vấn đề lao động là Luật Dạy nghề, Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động đã lần lượt được thông qua với đa số phiếu tán thành.

Với 81,3% số phiếu tán thành, Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Sau thời gian thảo luận, các nhà làm luật đã quyết định không mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Những vấn đề được doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng như người lao động quan tâm cũng được thống nhất: doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho không quá ba chi nhánh ở ba tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm dịch vụ xuất khẩu lao động, Luật không định lượng tiền môi giới, đối với một số thị trường hoặc một số hợp đồng cung ứng lao động cụ thể, nếu tiền môi giới cao mà thu nhập của người lao động ở nước ngoài thấp thì Nhà nước sẽ chỉ đạo để doanh nghiệp phải chịu một phần tiền môi giới nhằm giảm bớt đóng góp cho người lao động.

Chính phủ sẽ quy định cụ thể những thị trường nào, người lao động phải nộp tiền ký quỹ, thị trường nào không phải nộp tiền ký quỹ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động được 78,8% số phiếu thông qua. Nội dung cơ bản tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động đã được quy định trong chương XIV của Bộ luật Lao động.

Các vấn đề về phân định rõ các loại tranh chấp lao động, lấy ý kiến đình công, quyết định đình công, thẩm quyền giải quyết đình công, những hành vi bị cấm, xác định các cuộc đình công bất hợp pháp... cũng đã được thống nhất với sự tán thành cao từ các đại biểu. Luật sửa đổi cũng có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007.

Tiếp theo, Luật Dạy nghề cũng được thông qua với 77,64% số phiếu tán thành. Tuy nhiên, trước đó các đại biểu cũng phải tiến hành bỏ phiếu một số điều vẫn còn ý kiến khác nhau.

Vấn đề liên thông trong đào tạo đã mở rộng giữa trình độ trung cấp nghề với trình độ cao đẳng và đại học cùng ngành nghề, các quy định về dạy nghề trình độ trung cấp có nội dung học văn hóa nhằm bảo đảm cho những người tốt nghiệp trung học cơ sở khi học trung cấp nghề vừa học nghề vừa học văn hóa để khi tốt nghiệp đạt trình độ văn hoá tương đương trung học phổ thông.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường