Cùng đó, khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì chất lượng lao động thấp sẽ có tác động xấu tới khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là ý kiến của phần lớn các chuyên gia lao động khi nói về chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam mới có khoảng hơn 20% lực lượng lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Trên thực tế, chưa có con số thống kê chính xác về bao nhiêu phần trăm lao động đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Hiện chất lượng lao động Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Dồi dào nhân lực nhưng chất lượng yếu
Những năm vừa qua, thị trường lao động ở nước ta đã hình thành và đang phát triển, lực lượng lao động khá dồi dào, thể hiện trên các mặt. Về cung cấp lao động cho sự phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đến năm 2005, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chiếm 53,4% dân số (trên 44 triệu người); chất lượng cung lao động ngày càng cao, lao động qua đào tạo chiếm 25%, trong đó 19% qua đào tạo nghề.
Về cầu lao động, lực lượng lao động có việc làm năm 2005 là 43,46 triệu người, chiếm 97,9%, tỷ lệ tăng trưởng việc làm là 2,67%; cơ cấu việc làm tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm 56, 79%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 17,88%, và khu vực dịch vụ chiếm 25,33%. Tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,09%, riêng khu vực thành thị là 5,31%. Tuy nhiên, chất lượng lao động lại quá kém. Năng suất lao động của ta hiện nay đang kém từ 2 đến 15 lần so với các nước trong khu vực ASEAN.
Theo ông Lê Duy Đồng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có một thực tế là nguồn nhân lực của ta rất dồi dài nhưng rất nhiều doanh nghiệp lại kêu thiếu nhân lực. Sự khan hiếm tập trung ở số lao động có trình độ, kỹ năng làm việc và có khả năng nắm giữ một số vị trí chủ chốt của doanh nghiệp.
Trong khi đó, số lượng lớn lao động giản đơn đặt gánh nặng giải quyết việc làm lên các cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc cung lớn hơn cầu đối với lao động giản đơn đang đẩy tiền công có xu hướng ngày càng thấp và lợi thế luôn thuộc về chủ sử dụng lao động.
Ông Đồng lấy ví dụ, tại Nhà máy Nghi Sơn (Thanh Hoá), do không tìm được người bản xứ có khả năng đáp ứng được yêu cầu nên những vị trí chủ chốt đều do người Nhật nắm giữ. Tổng quỹ lương của 20 người Nhật làm việc trong Nhà máy này bằng tổng quỹ lương của gần 2.000 người Việt Nam làm việc ở đây. Còn ở một số dịch vụ khác như: ngân hàng, y tế... có tới 40% tổng số lao động có thu nhập từ 14.000 USD/năm trở lên thuộc người nước ngoài.
Cần có một chương trình nghề thực hành cao
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mặc dù khi chính thức gia nhập WTO, nước ta có thể sẽ chưa mở cửa thị trường lao động, nhưng sẽ có một dòng chảy lớn lao động nước ngoài vào thị trường trong nước.
Thực tế, không có điều khoản nào của WTO yêu cầu chúng ta phải mở cửa thị trường lao động, song lao động nước ngoài có thể vào làm việc tại nước ta từ các gói dịch vụ do nước ngoài cung cấp. Để hạn chế luồng lao động từ nước ngoài, cách tốt nhất cần thực hiện là nâng cao chất lượng lao động để lao động bản xứ có thể đáp ứng được yêu cầu của các nhà cung cấp dịch vụ. Khi đó, thay vì đưa lao động từ nước ngoài vào làm việc, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tuyển lao động bản xứ để tiết kiệm chi phí.
Để cải thiện dần chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra một kế hoạch tổng thể nhằm đưa tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 40% vào năm 2010.
Trong đó, mục tiêu trọng tâm là dạy nghề cho lực lượng lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hệ thống trường đào tạo nghề sẽ được đầu tư nâng cấp dần lên ngang tầm với khu vực và thế giới. Dự kiến, sẽ có 25 trường đào tạo nghề và 10 trung tâm đào tạo được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Ngoài ra, 30 trường trọng điểm và khoảng 100 trung tâm dạy nghề của cả nước cũng sẽ được đầu tư nâng cấp. Hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động bằng cách, quy hoạch và phát triển rộng khắp các cơ sở giới thiệu việc làm ở các địa phương để người lao động dễ tiếp cận; đầu tư hiện đại hóa 3 trung tâm ở 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) đạt tiêu chuẩn các nước trong khu vực, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại (internet, website) để thực hiện giao dịch lành mạnh, hiệu quả và chuyên nghiệp, chống tiêu cực, nhất là lừa đảo người lao động.
Đa dạng hóa các kênh giao dịch trên thị trường lao động, tạo điều kiện cho các giao dịch trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Hình thành và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia và nối mạng, trước hết ở các vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, cho xuất khẩu lao động; xây dựng các trạm quan sát thông tin thị trường lao động trên địa bàn cả nước để thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời.
Tuy nhiên, vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm là, bên cạnh việc đầu tư cho các trường đào tạo nghề, cần đưa các chương trình dạy nghề có tính thực hành cao hơn, học sinh được nắm bắt kịp thời với công nghệ hiện đại. Hơn nữa, cần có chính sách cụ thể để đào tạo đội ngũ lao động quản lý có hàm lượng chất xám cao song song với các chương trình đào tạo lao động đại trà.