Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lí ngành điều VN: “Cá bé rỉa chết cá lớn”
05 | 05 | 2009
Người ta thường nói “cá lớn nuốt cá bé”, hoặc “cá ăn kiến”. Chuyện “kiến ăn cá”, chuyện “cá bé rỉa chết cá lớn” dường như là điều không bao giờ. Vậy nhưng với ngành điều VN, điều không tưởng này lại đã và đang trở thành hiện tượng phổ biến.

1. Về giá nguyên liệu mua vào. Nhiều năm nay, người ta vẫn ngộ nhận rằng các nhà máy lớn – “con cá lớn” đang nắm quyền điều tiết giá nguyên liệu vì chỉ có họ mới có thể thu mua một số lượng lớn, còn các cơ sở nhỏ – “con cá nhỏ” buộc phải bám vào họ. Tuy nhiên điều đó chỉ có thể xảy ra nếu nguồn nguyên liệu dồi dào, cung vượt cầu. Nhưng những năm gần đây, hàng trăm điểm SX nhỏ ra đời, thậm chí chỉ vài ba bàn tách nhân với 4- 5 người làm, bóc vỏ lụa thì còn đơn giản hơn nữa, dăm sáu người trai gái già trẻ lớn bé, có thể ngồi làm ở mọi nơi, mọi chỗ. Ưu thế này giúp những cơ sở nhỏ luôn nắm ưu thế trong việc ra giá mua nguyên liệu.

Do số lượng và khả năng tài chính nhỏ bé, các cơ sở tư nhân chỉ cần  mua vào một vài tấn một ngày và họ cứ việc giữ nhịp mua vào chừng đó thôi. Với từng cơ sở nhỏ bé, việc tăng giá mua vào lên 500đ/kg chỉ phải chi thêm ra năm trăm ngàn đồng/tấn, sẽ được bù lại trong khâu chi phí giá thành thấp, nhưng với các NM lớn, do phải mua vào hàng chục, hàng trăm tấn /ngày thì việc tăng thêm 500đ/kg là cả một vấn đề. Nếu đối tượng này chỉ có một số ít  thì không đủ điều tiết giá, nhưng khi số "cá nhỏ" lên đến hàng trăm, trở thành “đàn” như hiện nay thì một ngày, hàng trăm tấn điều đã được hút vào các “lò”, khi đó các NM muốn mua được hàng chục tấn/ngày buộc phải lao theo giá của “đàn cá nhỏ”, vượt khỏi giới hạn giá mua vào đã được cân đối với giá bán ra của các hợp đồng, và nguy cơ thua lỗ cũng trở thành khổng lồ.

2. Về chi phí nhân công. Tiền lương trả theo sản phẩm ở các cơ sở nhỏ thường cao hơn so với tiền lương làm việc tại NM vì ngoài tiền lương, các NM phải "cõng" nhiều khoản khác như bảo hiểm, quần áo bảo hộ, BHYT, các khoản đóng góp cho xã hội, khấu hao tài sản…Vì chạy theo tiền lương trước mắt nhiều người lao động tại các NM thường bỏ về làm cho các cơ sở tư nhân. Các NM càng ngày càng thiếu vắng lao động. Nếu cách đây 4 – 5 năm, trong khoảng 40 NM, số lượng 500 – 1.000 người là bình thường thì hiện nay, đại đa số chỉ còn lại 100 – 500 người, số NM có được 1.000 người chỉ còn chưa được 5.

 3. Xuất hiện mâu thuẫn giữa giá bán ra của cơ sở tư nhân và sức ép tăng cao doanh số của các NM. Nhờ đầu ra là các nhà buôn và các NM đang cần tăng doanh số, các cơ sở tư nhân không bao giờ phải lo lắng về đầu ra. Hãy thử tính toán: để XK được 1 containner điều 16.000kg – mà chủ yếu là WW320, cần phải chế biến tối thiểu 200 tấn nguyên liệu. Như vậy, để xuất 10 công WW320/tháng, phải chế biến 2.000 tấn nguyên liệu. Muốn vậy, NM đó phải có được 7.000 lao động.

Bộ NN- PTNT đã ban hành “quy chuẩn quốc gia về cơ sở chế biến điều” trong đó tập trung chủ yếu vào hai điểm. Một là quản lý chặt chẽ về công nghệ chế biến và hai là tiêu chuẩn quy mô nhà xưởng. Thực hiện ngay những quy chuẩn này chính là để đưa việc chế biến vào nội vi của NM nhằm chủ động kiểm soát được các mối nguy đối với ATVSTP.

Hiện giờ, không có một NM điều nào ở VN có số lượng 2.000 lao động tập trung, chủ yếu chỉ là những NM có từ 100 đến 500 lao động tập trung. Với số lao động đó, chỉ có thể chế biến 5 -7 tấn/ngày, để XK 1 công WW320, những NM đó cần phải làm liên tục khoảng 50 – 80 ngày. Nhưng trên thực tế thì khoảng vài chục DN hiện nay vẫn xuất khoảng 10 -20 công WW320/tháng. Vậy họ lấy đâu ra số hàng này? Có thể trả lời ngay: họ phải mua lại từ những con "cá nhỏ" – nay đã biến thành đàn. Phải chấp nhận với những mức giá “mua đắt bán rẻ” vì hợp đồng đầu ra đã phải ký trước khi làm thủ tục vay vốn theo quy định của Ngân hàng. Vậy là thêm một điều kiện nữa để cho cá bé rỉa chết cá lớn.

4. Về sức ép lao động và ATVSTP. Không chỉ mua lại hàng thành phẩm từ những cơ sở nhỏ đó, cũng vẫn do động lực tăng nhanh doanh thu, doanh số, sản lượng “nhiều hơn nữa và nhiều hơn mãi”, do thiếu lao động, ngại đầu tư thiết bị cơ giới hóa và tự động hóa vì chi phí lớn, các NM phải đưa hàng, gồm cả hàng tách nhân và hàng bóc vỏ lụa từ trong khuôn viên NM– nơi có đủ điều kiện kiểm soát ATVSTP ra ngoài để làm.

Đã và đang xảy ra cuộc chiến nội bộ giữa các NM nhằm chiếm lĩnh thị phần lao động này. Hàng hóa được “phủ sóng” đến mọi nơi, giao cho mọi loại đối tượng. Việc chế biến một cách manh mún hoặc chế biến ở những nơi tập trung đông người nhưng “có vấn đề nhạy cảm” như vậy tiềm ẩn vô vàn những nguy cơ mất ATVSTP. Những hoạt động ngoài luồng và không thể kiểm soát được này càng làm tăng nguy cơ của ngành chế biến điều VN.

Không thể để các tình trạng này tiếp tục kéo dài, trước hết không phải là vì để bảo vệ sự sống còn của những con cá lớn mà là vì sự sống còn của ngành điều VN. Cũng không thể dùng biện pháp hành chính để xóa bỏ các cơ sở nhỏ, mà ngược lại, phải xác định mối nguy thật sự về ATVSTP để từ đó xây dựng và điều chỉnh lại chiến lược phát triển ngành điều trên nguyên tắc ổn định và bền vững. Muốn vậy, cần xem xét lại mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng “phi mã” “số một” nhưng đầy hiểm họa, phiêu lưu với sự phát triển chậm nhưng chắc chắn và an toàn.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường