Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xứ cát tan "giấc mơ điều"
16 | 07 | 2009
Ở nơi "trồng cây gì chết cây nấy", nông dân các huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và Phong Điền (TT-Huế) tưởng gặp may khi có dự án trồng điều trên đất cát, sỏi. Thế nhưng, dai dẳng nhiều năm trời mặc cho người dân bỏ ra không ít công sức thì giấc mơ thoát nghèo vẫn vô vọng...

Trồng điều lấy... củi

Năm 2002, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ bắt tay vào việc đầu tư trồng điều trên diện tích đất cát sỏi ở các xã Hải Trường, Hải Phú (Hải Lăng) và Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh (Quảng Điền). Nhà nông được ồ ạt cung cấp giống và bàn giao diện tích để đầu tư chăm sóc. Tuy nhiên, sau gần 7 năm bỏ bê đồng ruộng để chạy theo điều, hàng trăm hộ dân vẫn chưa thu hoạch được gì bởi điều đến tuổi nhưng chỉ ra hoa mà không đậu quả.

Sau khi nhận được 8ha điều từ dự án, HTX Mỵ Trường ở xã Hải Trường khẩn trương bàn giao cho 14 hộ dân có nguyện vọng lập trang trại kết hợp nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ. "Thời gian đầu, thấy điều phát triển khá tốt ai cũng mừng, cố công chăm sóc ngoài phân bón, thuốc trừ sâu của Viện cung cấp còn bón thêm cả phân chuồng. Khoảng 2 năm sau đó, điều bắt đầu ra rất nhiều hoa nhưng cứ rụng dần. Nghĩ hoa bói không đậu quả nên tiếp tục chăm sóc nhưng liền 2-3 năm sau vẫn không thấy ra quả, một số diện tích còn bị chết khô. Mấy chục ha ở đây không có lấy một hạt"- anh Võ Tài, thôn Hậu Trường nhận trồng, chăm sóc một mẫu điều chua xót.

Cũng trong năm 2002, Phòng NN- PTNT huyện Quảng Điền (TT-Huế) đã ký hợp đồng với Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung bộ để cung ứng giống, cho nông dân trồng điều đại trà tại ba xã Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Thái với diện tích 22ha (trung bình mỗi hộ 1 - 2ha) và lên kế hoạch mở rộng thành 60ha. Hộ anh Phan Đức ở xã Quảng Vinh thuộc diện được cấp giống để trồng điều trên đồi cát. Mỗi năm gia đình phải bỏ ra ba triệu đồng để chăm sóc những mong sẽ có thành quả. Tính sơ sơ anh Đức cũng "ném" vào điều hơn chục triệu. Nhưng suốt hơn 7 năm trời rốt cuộc điều vẫn không ra trái. "Chờ mãi để xem trái điều mình trồng mặt mũi nó thế nào nhưng vô vọng, nhiều nhà bàn nhau chặt làm củi để lấy đất chuyển qua trồng tràm".

Dự án "đem con bỏ chợ"

Theo tìm hiểu của NNVN, dự án trồng điều ở Quảng Trị và TT-Huế nằm trong chương trình thử nghiệm trồng điều trên đất cát, sỏi ở các tỉnh phía bắc đèo Hải Vân được thực hiện từ năm 2002, nhưng đến năm 2005 buộc phải dừng lại vì cạn nguồn vốn đầu tư. Còn về việc điều bị "vô sinh", khi bà con thắc mắc, phía Viện KHKTNN duyên hải Nam Trung bộ đóng tại Bình Định lý giải rằng họ không còn liên quan khi mà toàn bộ diện tích đã được bàn giao cho chính quyền sở tại và các hộ dân.

Được biết, trước khi dự án đưa cây điều trồng trên cát, sỏi, nhiều người đã cảnh báo về tính khả thi của nó khi các vùng đất này trước đây đã có nhiều dự án mô hình trồng cây ăn quả không mang lại hiệu quả phải chặt bỏ như măng cụt, xoài, cam, dừa...Nhưng phía Viện KHKT một mực khẳng định là đã nghiên cứu kỹ thổ nhưỡng và chắc chắn dự án sẽ thành công. Hàng năm dự án còn hỗ trợ mỗi hộ 590 ngàn đồng tiền phân bón, thuốc BVTV. Nghe "ngon" quá, nhiều hộ nông dân không ngần ngại chặt bỏ diện tích trồng na, keo, tràm trước đây để chạy theo điều. “Thì cứ tưởng điều là cây công nghiệp lâu năm, nếu đầu tư tốt sẽ hiệu quả lâu dài. Nghe họ bảo nếu trúng thì giàu to, nên vườn tràm mới 3- 4 tuổi cũng chặt gấp để trồng điều. Nếu để tràm lại thì bây giờ cũng thu hoạch mấy chục triệu rồi"- anh Đức than vãn.

Theo nhiều cán bộ nông nghiệp, để đánh giá mô hình thí điểm trồng điều trên đồi cát có thành công hay không phải mất thời gian 4-5 năm vì điều thuộc cây công nghiệp lâu năm. Nhưng chỉ chưa đầy một năm Viện KHKT đã hợp đồng ồ ạt với các địa phương cho trồng đại trà mà không kiểm nghiệm việc các địa phương này thường có mưa lớn vào tháng 2-3 hằng năm. Đây là thời điểm điều chuẩn bị kết trái, gặp mưa nên thối hoa. Với việc đầu tư vào tổng diện tích gần 50ha trồng điều tại các địa phương trên nhưng không mang lại chút hiệu quả nào, Viện KHKT đã "vứt" không dưới 500 triệu đồng.

Sau mấy năm bỏ bê đồng ruộng để chăm sóc vườn điều nhưng hiệu quả chẳng thấy đâu nông dân quyết định bỏ điều trở lại tập trung trồng lúa, mang theo bài học cay đắng vì trót "lỡ dại".

Với người dân Quảng Điền thì đây không phải là lần đầu họ "mắc cạn" vì các dự án thất bại. Từ năm 1997-1998 vùng rú cát có dự án trồng mía do NM đường KCP đầu tư,  huyện đã vận động nông dân xã Quảng Lợi trồng mía. Nhưng chỉ được một mùa, dự án phá sản để lại cho nông dân khoản nợ gần 1 tỷ đồng.

Còn về phía người dân và chính quyền sở tại không chỉ thiệt hại về tiền mà còn ảnh hưởng lớn đến quá trình thoát nghèo. Bởi theo cách tính của phần lớn nông dân, nếu họ không "dính" vào điều mà dùng số tiền đó đầu tư vào tràm thì bây giờ đã cho thu hoạch. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hồ Vang- Trưởng phòng NN- PTNT huyện Quảng Điền thừa nhận huyện đã vội vàng triển khai trồng điều đại trà khi chưa đủ thời gian kiểm nghiệm. “Cả vùng đất rú cát mênh mông như vậy cần phải có cây để phủ xanh, Viện KHKT đã có khảo sát, và cho rằng vùng đồi cát này có thể trồng được giống cây điều nên chúng tôi mới mạnh dạn đưa giống về cho bà con trồng. Đây sai sót của chúng tôi".

Chết không được... chôn

Cây điều không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân đã quá ngán ngẩm với cây điều,  do vậy rất cần có giải pháp linh hoạt cho phép người dân chuyển đổi sang một loại cây trồng phù hợp, nhưng hiện tại, số diện tích “điều cảnh” kia vẫn nghiễm nhiên tồn tại chiếm giữ đất bởi chính quyền đang chờ...giải pháp. Về vấn đề này ông Trương Thái Định, Chủ nhiệm HTX Hậu Trường bức xúc: "Các hộ dân trồng điều cũng đã nhiều lần có kiến nghị với HTX là nên cho phép chuyển đổi các loại cây trồng khác thích hợp và có hiệu quả kinh tế. Lãnh đạo HTX cũng đã đề xuất lên xã, huyện trong các cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa thấy có hướng giải quyết nào".

Đến lúc này có thể khẳng định dự án trồng điều trên đồi cát của Viện KHKT duyên hải Nam Trung Bộ đã thất bại. Tiền đã mất, phần lớn nông dân quyết định bỏ hoang hoặc đốn điều làm củi. Còn về vấn đề sau khi "xóa điều", diện tích đất cát trên sẽ qui hoạch trồng gì thì cả chính quyền lẫn người dân vẫn còn đang loay hoay.



Báo cáo phân tích thị trường