Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vào WTO-Đưa thông tin đến nông dân bằng cách nào?
30 | 06 | 2007
Vấn đề cung cấp thông tin cho nông dân trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập đang ’’nóng’’ hơn bao giờ hết. Làm thế nào để thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này?

''KHÁT'' TỪ ĐỊA PHƯƠNG!

Ngay khi được hỏi về tình hình hoạt động của các điểm cung cấp thông tin cho nông dân huyện nhà, ông Nguyễn Văn Hiếu - PCT UBND huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã thẳng thắn: ''Với 16 xã và 1 thị trấn, lại được liệt vào một trong những huyện thuần nông của tỉnh Vĩnh Long, huyện Tam Bình chúng tôi chưa được ưu tiên đầu tư nhiều về vấn đề ứng dụng KHCN, truy cập Internet. Việc cập nhật thông tin phục vụ cho quá trình sản xuất nông nghiệp, tìm hiểu giá cả thị trường và nhu cầu về hàng nông sản để có định hướng sản xuất đúng thì từ trước đến nay nông dân chỉ cập nhật trên báo, đài, tivi. Tuy nhiên những thông tin đó rất tản mát, không sâu và đến với họ rất chậm, không đáp ứng được sự thay đổi liên tục của thị trường nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống bà con bấp bênh!''. Ông Hiếu cho biết, mặc dù tỉnh Vĩnh Long cũng như TW đang xúc tiến một số dự án hỗ trợ xây dựng trung tâm thông tin cho nông dân, nhưng mọi chuyện mới chỉ bắt đầu, hiệu quả chưa thể đánh giá, trong khi đó Việt Nam đã gia nhập WTO!

Cũng tâm sự đó, ông Bùi Minh Hùng - CT UBND xã Tân Lập (huyện Đồng Phú, Bình Phước) cho biết ''Nói thực, từ trước đến nay đã có đầu mối thông tin cụ thể nào đâu, người nông dân chủ yếu lấy thông tin trên đài, báo và qua... truyền miệng. Những thông tin chính thống của các cơ quan chuyên môn về giá cả thị trường, giống má, cây trồng và định hướng sản xuất của địa phương hiện còn rất ít!''. Ông Hùng cũng cho biết thêm, xã Tân Lập vừa được chọn thí điểm xây dựng một trung tâm thông tin nông thôn có máy tính kết nối Internet, có máy fax, đường điện thoại... và dự án này đã khiến ông mừng rỡ vô cùng. ''Hiệu quả kinh tế còn nằm phía trước vì chưa được triển khai, nhưng dù sao đâycũng là tín hiệu mừng giúp nông dân xã nhà sẽ có được một nơi cung cấp thông tin chuyên nghiệp hơn'' - ông Hùng nói.

BÀI HỌC TỪ TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ

Ông Nguyễn Đức Sơn - Quản đốc ''Dự án Hỗ trợ Chương trình cải cách hành chính tại Bộ NN-PTNT (VIE/02/016)'' cho biết, hai nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đã rất thành công trong việc hỗ trợ thông tin cho nông dân và chúng ta có thể nghiên cứu mô hình của họ để áp dụng tại Việt Nam.

Với chủ trương cải cách hành chính và xoá đói giảm nghèo, tại Bộ và các Sở NN Trung Quốc (TQ) chỉ thành lập một trung tâm thông tin trực thuộc. Việc cung cấp và chia sẻ thông tin giữa Bộ NN, các đơn vị thuộc Bộ và các Sở NN được quy định rõ ràng về nội dung, chủng loại và thời gian cập nhật. Bộ NN TQ cũng xây dựng cổng thông tin NN quốc gia để cung cấp thông tin và các dịch vụ cấp phép qua mạng, giải đáp thắc mắc cho các cơ quan, DN và công dân. Hiện cổng thông tin này có 22 nội dung chính, tích hợp 23 trang Web chuyên ngành, hàng ngày có trên 2 triệu lượt người truy cập (chỉ đứng thứ 2 sau Bộ Thương mại TQ). Mọi hoạt động thông tin trên đều được cấp miễn phí cho nông dân. TQ còn xây dựng các Trung tâm thông tin cho các vùng nông thôn (từ 2001) và đã đem lại kết quả vượt dự đoán. Khảo sát tại huyện Vũ An (tỉnh Hà Bắc), sau khi các trung tâm thông tin được hình thành đã góp phần thay đổi đời sống, tầm nhìn, cách nghĩ của người dân. Tại huyện này có tới 88% hộ nông dân đã tới các trạm thông tin nông thôn, 73% tìm thông tin trên mạng, 44% đến trạm 2-3 lần/tuần và 5% đến thường xuyên hàng ngày!

Trong khi ở Việt Nam mỗi Bộ, ngành, địa phương phải tự tổ chức xây dựng các phần mềm riêng cho mình thì tại "thung lũng Silicon của châu Á'' Ấn Độ, hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm dùng chung đều do Bộ CNTT và Truyền thông Ấn Độ thống nhất quản lý. Tại mỗi đơn vị cấp TW và địa phương đều có một bộ phận trực thuộc Cục CNTT chịu trách nhiệm vận hành hệ thống. Đây là một điểm mạnh, khắc phục tình trạng không liên kết, đóng cửa thông tin do mọi Bộ, ngành, địa phương tự xây dựng phần mềm dùng riêng cho ngành mình.

Ông Nguyễn Đức Sơn - Quản đốc Dự án VIE/02/016:

Cần xây dựng cổng giao dịch điện tử, đưa các dịch vụ cấp phép (kinh doanh thuốc thú y, BVTV, vật tư, giống...) lên mạng để phục vụ các tổ chức, công dân có thể giao dịch trực tuyến 24/24; mở chuyên mục Bộ trưởng trả lời những ý kiến thắc mắc của người dân, tổ chức cung cấp thông tin đầy đủ trên cổng điện tử. Các Sở NN-PTNT cũng nên sớm thành lập Trung tâm thông tin được kết nối với Bộ NN-PTNT, đảm bảo trao đổi thông tin hai chiều giữa địa phương và TW. Đặc biệt, cần tiến hành thử nghiệm mô hình tư vấn NN từ xa (E-Sagu), trạm thông tin nông thôn (E-seva) tại một số địa phương để rút kinh nghiệm...

Ấn Độ cũng đã xây dựng "Chính phủ điện tử" (e-gov) và đem lại thành công rất lớn. Theo ông Nguyễn Đức Sơn, một số mô hình hay của Ấn Độ có thể học tập như: Chương trình phát sóng truyền hình SAPNET chuyên thực hiện giáo dục từ xa, khuyến nông, phát triển nông thôn, y tế; Mô hình tư vấn chuyên môn từ xa E-Sagu chuyên hướng dẫn chăm sóc và trị bệnh cho cây trồng; Trung tâm giải đáp thắc mắc cho nông dân Parishkaram quy tụ các giáo sư NN giỏi tiếp nhận và trực tiếp giải đáp thắc mắc cho nông dân qua điện thoại; Mô hình ''một của'' E-SEVA giúp nông dân đồng thời có thể thanh toán các loại dịch vụ, xin cấp các loại giấy tờ, đặt mua vé tàu xe, đăng ký tìm việc làm... Đặc biệt, mô hình DN tự đứng ra tổ chức hệ thống thông tin nông thôn E-Choupal theo phương châm ''đôi bên cùng có lợi": Nông dân không còn bị thương lái bưng bít thông tin, chèn ép giá cả, còn DN chủ động được nguồn nguyên liệu, không phải qua trung gian..., từ đó nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp nước nhà.



Báo cáo phân tích thị trường