Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Về đề nghị nhập khẩu 10.000 tấn đường: Bộ NN&PTNT làm khó doanh nghiệp?
08 | 10 | 2009
Cuối cùng Bộ NN&PTNT đã có ý kiến đồng ý cho nhập khẩu 10.000 tấn đường. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT lại đưa ra hai điều kiện mà theo đánh giá của các doanh nghiệp và ngay cả của Bộ Công Thương là oái ăm và làm khó cho doanh nghiệp.

Cho nhập thô!

Trước hàng loạt kiến nghị, kêu cứu của doanh nghiệp về việc thiếu đường, đường tăng giá đột biến doanh nghiệp có nguy cơ phải hạn chế sản xuất, rốt cuộc Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản cho biết đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc cho các doanh nghiệp nhập khẩu thêm 10.000 tấn đường để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bộ NN&PTNT cho rằng để chủ động điều tiết, ổn định thị trường, Bộ Công Thương cân nhắc, có thể bổ sung 10.000 tấn và phân bổ trực tiếp cho các đơn vị sử dụng đường tinh luyện làm nguyên liệu.

Việc phân bổ này nên ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước và có ý nghĩa xã hội cao, cụ thể là Cty Cổ phần Sữa Việt Nam nhập 8.000 tấn; Cty TNHH Coca Cola Việt Nam 1.000 tấn; Cty TNHH Nestle Việt Nam 1.000 tấn.

Bộ NN&PTNT còn ra điều kiện kèm theo: Đường nhập khẩu phải là đường thô. Sau khi nhập về việc gia công chế luyện phải được thực hiện trong nước tại các nhà máy sản xuất đường luyện.

"Hạn ngạch thuế quan có hiệu lực ngay sau khi được cấp; thời hạn nhập khẩu đến 15/11/2009, quá thời hạn trên giấy phép nhập khẩu không còn giá trị thực hiện"- Bộ NN&PTNT ra yêu cầu.

Làm khó doanh nghiệp

Nếu nhập khẩu từ nước gần nhất là Thái Lan, nhanh thì cũng phải từ 15/12 đến 20/12/2009 lượng đường được phép nhập mới về tới nơi, trong khi khung thời gian hạn ngạch thuế quan có hiệu lực do Bộ NN&PTNT đưa ra chỉ có giá trị đến ngày 15/11 - một doanh nhân nói.

Bộ Công Thương đã có phản ứng và chỉ rõ những điều kiện trên là không hợp lý, trái quy định.

Bộ Công Thương cho rằng việc quy định điều kiện chủng loại đường để doanh nghiệp nhập khẩu là không đúng quy định pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Nam Hải, việc nhập khẩu đường thô hoặc đường tinh luyện là do doanh nghiệp tự tính toán hiệu quả để thực hiện.

Việc nhập khẩu chủng loại đường nào phải theo đúng quy định tại Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

Bộ Công Thương cũng cho rằng quy định về thời hạn thực hiện nhập khẩu cũng là bất cập. Theo quy định, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực sớm nhất sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Vì vậy, việc quy định văn bản có hiệu lực thi hành ngay sau khi ký là không bảo đảm căn cứ pháp lý và giấy phép chỉ có giá trị đến 15/11/2009 là không khả thi.



Theo www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường