Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kết quả thanh tra giá sữa: Giá sữa ngoại “cõng” quá nhiều chi phí
23 | 12 | 2009
Chi phí quảng cáo, tiếp thị đẩy giá sữa ngoại tăng bất thường. Lách luật để quảng cáo.

Ngày 22-12, Thanh tra Bộ Tài chính đã cung cấp kết quả thanh tra giá sữa tại Công ty TNHH Nestlé và Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam. Theo kết luận thanh tra, điều đáng chú ý là chi phí quảng cáo, tiếp thị chiếm tỉ lệ khá cao trong chi phí kinh doanh, giá bán các mặt hàng sữa. Đó là một trong những lý do chính khiến giá sữa ngoại ở Việt Nam tăng cao bất hợp lý.

Giá bán gấp đôi giá vốn

Theo kết luận thanh tra, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam có 100% vốn nước ngoài, nhập khẩu 31 mặt hàng sản phẩm từ sữa, không trực tiếp bán lẻ, không chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.

Giá bán các loại sữa đến nhà phân phối thường được xác định như sau: lấy giá vốn cộng thêm 40%-50% lãi gộp cùng với tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà phân phối để xác định giá bán cho từng mặt hàng.

Ví dụ như sáu tháng đầu năm 2009, Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam nhập khẩu Enfagrow 900 g giá 108.150 đồng/hộp, cộng thêm 5.407 đồng thuế (5%), giá bán lẻ công bố là 266.818 đồng/hộp; Enfakid 900 g giá nhập khẩu là 102.893 đồng/hộp, cộng 5.144 đồng thuế, giá bán lẻ là 229.545 đồng/hộp.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có mặt hàng sữa nhập khẩu chủ yếu từ các nước ASEAN và Hà Lan. Kết quả thanh tra cho thấy sữa Lactogen3 loại 900 g nhập khẩu 66.950 đồng/hộp, cộng thuế (3.347 đồng), giá bán lẻ là 131.800 đồng/hộp; Nestlé Gau 1 loại 900 g giá nhập là 72.361 đồng/hộp, cộng thuế 5%, giá bán là 220.000 đồng/hộp.

Lách luật để quảng cáo

Kết luận thanh tra cho thấy tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, chi phí tiếp thị quảng cáo năm 2008 lên tới 20,565 tỉ đồng (chiếm 38% tổng chi phí kinh doanh); sáu tháng đầu năm 2009, khoản chi này là 14,043 tỉ đồng, chiếm 27% tổng chi phí kinh doanh).

Tại Công ty Mead Johnson Nutrition Việt Nam, thanh tra chỉ ra rằng dù giá sữa nhập khẩu ổn định, chính sách thuế nhập khẩu ổn định, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng sữa ổn định nhưng giá bán vẫn cao. Nguyên nhân do chi phí bán hàng, chi phí quảng cáo luôn ở mức cao.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho rằng theo quy định của Bộ Tài chính, chi phí quảng cáo, tiếp thị được khống chế ở mức 10%. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp trên mạnh tay chi hơn rất nhiều bởi họ chưa phải kê khai đăng ký giá bán. Chính vì vậy có chuyện lách luật khiến giá sữa ngoại tăng cao bất thường suốt trong thời gian qua.

Liên quan đến chi phí quảng cáo, Bộ Tài chính cũng cho biết có hiện tượng một số nhà phân phối trực tiếp đăng ký quảng cáo luôn với các đơn vị truyền thông ở trong nước qua email và trả tiền qua tài khoản nên việc giám sát chi phí quảng cáo của cơ quan chức năng cũng đang rất khó khăn.

Qua kết quả thanh tra, Bộ Tài chính kiến nghị: Nếu tiết giảm được các chi phí, nhất là quảng cáo, tiếp thị, đồng thời cùng nhà phân phối quản lý giá bán sữa đến tay người tiêu dùng thì cơ bản các doanh nghiệp có thể giảm giá bán các sản phẩm sữa nhập khẩu.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường