Trợ cấp nào là sai luật?
Trong bản tóm tắt kết quả đàm phán gia nhập WTO mà Bộ Thương mại vừa chuyển đến ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã nêu rất rõ: “Về trợ cấp nông nghiệp, ta cam kết không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản từ thời điểm gia nhập. Tuy nhiên, ta bảo lưu quyền được hưởng một số quy định riêng của WTO dành cho nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Đối với loại hỗ trợ mà WTO quy định phải cắt giảm, nhìn chung ta duy trì được ở mức không quá 10% giá trị sản lượng. Ngoài mức đó, ta còn bảo lưu thêm một số khoản hỗ trợ nữa, vào khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi năm. Có thể nói, trong nhiều năm tới, ngân sách của nước ta cũng chưa đủ sức để hỗ trợ cho nông nghiệp ở mức này. Các loại trợ cấp mang tính chất khuyến nông hay trợ cấp phục vụ phát triển nông nghiệp được WTO cho phép nên ta được áp dụng không hạn chế”.
Từ nội dung cam kết trên, thạc sĩ Nguyễn Hải Yến, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Thương mại) cho rằng: “Chỉ có trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nội địa hóa (trợ cấp để khuyến khích sử dụng đầu vào trong nước) mới vi phạm “đèn đỏ” của WTO và không ai ngăn cản Việt Nam chuyển số tiền trợ cấp đó sang một hình thức hỗ trợ khác không nằm trong điều cấm của WTO”. Trước đây, Việt Nam có trợ cấp dưới hình thức thưởng xuất khẩu đối với 7 mặt hàng trong nông nghiệp là gạo, cà phê, chè, rau quả, thịt lợn, hạt tiêu... Hỗ trợ lãi suất mua tạm trữ xuất khẩu đối với cà phê, bù lỗ xuất khẩu một số mặt hàng khác. Nhưng đến giai đoạn 2004-2005 những hỗ trợ này đã bị loại bỏ dần. Ngoài ra, những biện pháp bảo hộ phi thuế cũng gần như đã được bãi bỏ. Hầu hết hàng hóa đều được quản lý theo các tiêu chuẩn kỹ thuật và không hạn chế định lượng. Chính vì vậy, các khoản trợ cấp của Việt Nam đã và đang được điều chỉnh giảm dần cho phù hợp với quy định của WTO. Hơn nữa, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt ra câu hỏi: Đối tượng được hưởng trợ cấp xuất khẩu trực tiếp mà theo WTO là sai luật có phải là nông dân hay không? Từ trước tới nay, đã bao giờ nông dân được tiếp cận trực tiếp trợ cấp xuất khẩu hay đối tượng được hưởng chỉ là các doanh nghiệp mà thôi?!
“Chỉ sợ không có tiền giúp nông dân!”
Đó là khẳng định của tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Theo tiến sĩ Lịch, hiện nay xét về trợ cấp nông nghiệp thì Nhà nước ta trợ cấp ít hơn nhiều nước trên thế giới, nhất là so với Mỹ và châu Âu. “Năm 2001 tôi có tham gia Diễn đàn Pháp-Việt tại Pháp và được biết, mặc dù chỉ có khoảng 6% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm nền nông nghiệp Pháp được nhận trợ cấp trên 22 tỷ USD. Vấn đề nằm ở chỗ, trợ cấp của họ không vi phạm luật WTO. Họ trợ cấp thế nào? Họ xem đầu tư hạ tầng cho tới từng nông trại nông dân là một thứ trợ cấp cho nông thôn. Nông dân là nông trang, Nhà nước làm đường, kéo điện, nước tới nơi, cấp phát phương tiện cho từng hộ nông dân. Thứ hai, Nhà nước đầu tư cho vấn đề khuyến nông, tức là ứng dụng khoa học công nghệ, đưa kỹ thuật, hướng dẫn nông dân làm, kể cả vấn đề đầu tư sau quy hoạch, họ đều đầu tư rất lớn. Những điều này đâu có vi phạm luật lệ WTO?! Hay như Mỹ, người ta trợ cấp thế nào? Ví dụ, năm nay họ dự báo nhu cầu ngô thế giới chỉ ở chừng này, trong khi nước Mỹ lại đang sản xuất quá lớn thì họ sẽ khuyến khích những vùng trồng ngô năng suất thấp không trồng nữa, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền. Những dạng đó không phải trợ cấp trực tiếp lên sản phẩm nên không bị cấm. Tôi khẳng định, chỉ sợ không có tiền để trợ cấp chứ không sợ là người ta cấm trợ cấp. Vấn đề là thay cách trợ cấp cho hợp lệ, hợp pháp mà thôi!”, ông Lịch nói.
Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, các hình thức trợ cấp là rất đa dạng và đại đa số là được phép theo quy định của WTO. Vấn đề là chọn loại nào, áp dụng như thế nào, mức độ bao nhiêu, trong thời gian bao lâu để vừa thúc đẩy được sản xuất nhưng cũng nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh cho nền nông nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Rõ ràng không ai cấm Việt Nam đầu tư cho khuyến nông, phát triển thủy lợi, kiện toàn giao thông nông thôn, nâng cao chất lượng giống, phát triển công nghệ sau thu hoạch, xây dựng các kho lạnh cho hàng thủy sản và kho đệm để dự trữ lúa, cà phê, tiêu, điều cho bà con nông dân, tránh để họ phải bán ồ ạt mỗi khi vào vụ với giá cả “lúc nắng lúc mưa”.