Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những giải pháp bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2006
02 | 09 | 2007
Trong tháng 12/2006, có nhiều nhân tố tác động đến giá cả thị trường. Đối với thị trường thế giới, do mùa đông đến nên nhu cầu tiêu dùng xăng dầu tăng cùng với việc OPEC cắt giảm sản lượng dầu làm cho giá dầu và sản phẩm gốc dầu có thể tăng cao hơn tháng 11/2006. Mặt khác,trong nước giá nông sản vẫn đứng ở mức cao và có khả năng nhích lên, làm tăng giá hàng xuất khẩu.

Trước những nhân tố tác động đến giá cả thị trường này, nhiều chuyên gia thị trường dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2006 sẽ dao động ở mức tăng 0,6 - 0,8% so với tháng 11/2006 - vẫn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đối với thị trường trong nước, những nhân tố tác động đến giá cả thị trường là:

+ khối lượng tiền được đưa ra lưu thông nhiều hơn để giải ngân cho các công trình xây dựng, rồi tiền thưởng dịp Tết, kiều hối do Việt kiều gửi về cho người thân chi tiêu trong dịp Tết khiến sức mua tăng, tạo sức ép lên mặt bằng giá cả;

+ nhu cầu tiêu dùng cuối năm trong dịp Noel, Tết dương lịch;

+ sự chuẩn bị hàng hoá cho Tết âm lịch tăng;

+ Nhà nước điều chỉnh tăng giá bán điện, cũng tác động đến mặt bằng giá cả;

Để bình ổn giá cả thị trường trong dịp cuối năm, Bộ Tài chính đã công bố 6 giải pháp, cần thực hiện ngay. Cụ thể là:

Thứ nhất, chuẩn bị đủ lượng hàng hoá để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm và Tết tăng cao hơn những tháng bình thường, nhất là những vùng sâu, vùng xa, những vùng giao thông khó khăn, những vùng vừa qua bị bão lụt; không để xảy ra mất cân đối về cung - cầu, đặc biệt tập trung hàng cho dịp trước và sau Tết.

Thứ hai, tiếp tục quản lý chặt chẽ hơn các nguồn thu chi ngân sách mà Nhà nước và hệ thống Kho bạc Nhà nước. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ ban hành một chỉ thị về bình ổn giá, trong đó, yêu cầu Kho bạc Nhà nước phải kiểm soát chi thường xuyên, mua sắm tài sản, chi hội nghị trong thời gian Tết, chi lương thưởng cho đảm bảo đúng chế độ, không để xảy ra những khoản chi không hợp lệ, hợp lý và đảm bảo cho được bội chi ngân sách ở mức 5% GDP của cả năm.

Thứ ba: tiếp tục kiểm soát khối lượng gia tăng của tiền tệ trong nền kinh tế, không để vượt quá mục tiêu tăng trưởng; ổn định tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam và biến động lãi suất trên thị trường, bám sát diễn biến cung - cầu ngoại tệ và vốn.

Thứ tư: đẩy mạnh hơn việc kiểm soát giá các mặt hàng độc quyền và độc quyền về giá để tránh sự điều chỉnh giá của Nhà nước, biến động giá của thị trường để đẩy giá những mặt hàng khác tăng cao không hợp lý; Tiếp tục giữ ổn định một số hàng hoá, dịch vụ như: giá cước vận chuyển hành khách bằng xe buýt, giá nước sinh hoạt...; Thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá, nhất là những hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như: tham quan, vui chơi giải trí, giá nhà nghỉ ở khách sạn... không để xảy ra đột biến về giá trong tháng giáp Tết và những tháng sau Tết Âm lịch - thời điểm có hàng ngàn lễ hội lớn diễn ra trong cả nước.

Thứ năm: Chính phủ cũng phải chỉ đạo các bộ, ngành quản lý sản xuất kinh doanh chỉ đạo các doanh nghiệp do ngành mình quản lý có giá bán hàng hoá, dịch vụ hợp lý, nhất là những mặt hàng sử dụng điện, than, xăng dầu để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các bộ ngành và doanh nghiệp cần thực hiện tốt chỉ thị tiết kiệm của Thủ tướng, không để xảy ra chi tiêu lãng phí trong dịp Tết; cùng với các cơ quan chức năng rà soát lại các khoản thu về phí, lệ phí không đúng pháp luật để trên cơ sở đó giảm đầu vào cho doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữ ổn định giá đầu ra.

Thứ sáu: Bộ Thương mại cùng với các ngành như: hải quan, thuế... tăng cường biện pháp kiểm soát thị trường trong những tháng cuối năm, tránh các hiện tượng đầu cơ, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, không đảm bảo VSATTP. Đồng thời, ngành thương mại cũng phải chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới phân phối của mình trong những tháng cuối năm để cung ứng hàng hoá cho tốt hơn, tránh phân phối vòng vèo, chồng chéo khiến chi phí lưu thông tăng và đẩy giá bán hàng hoá lên cao.



Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường