Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá
20 | 07 | 2007
Chỉ trong 6 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng(CPI) đã tăng tới 5,2% (vượt xa dự báo là 4%), và giá tăng ở hầu hết các mặt hàng. Khả năng CPI 2007 khó có thể kiềm chế dưới mức 6%, bởi những tháng cuối năm thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố tăng giá
Theo quy luật, vào thời điểm này hàng năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định. Nhưng năm nay tình hình hoàn toàn ngược lại. Thực phẩm và dịch vụ ăn uống có chỉ số tăng giá cao nhất 6,8%.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài Chính phân tích: Loại trừ các yếu tố tâm lý, yếu tố lợi dụng sự biến động của thị trường để tăng giá không hợp lý thì có ba nhóm nhân tố cơ bản tác động tăng giá: Thứ nhất là nhân tố về cầu hàng hóa dịch vụ so với cùng kỳ năm 2006, giá các hàng hóa nhập khẩu tăng khá mạnh: thép thành phẩm tăng 15%, phôi thép tăng 24,41%, ure tăng hơn 7%, chất dẻo nguyên liệu tăng hơn 12%, sợi các loại tăng 10%...
Thứ hai là dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nhiều làm tăng cung ngoại tệ gây sức ép tăng giá VND, đồng thời góp phần tăng tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế.
Thứ 3 là, từ đầu năm 2007, Nhà nước chủ động thực hiện lộ trình tăng giá đối với một số vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện tăng bình quân lên 7,6% từ ngày 1-1, giá than tăng 20%, tăng giá bán xăng hai lần (tháng 3 tăng 8,9%; tháng 5 tăng 7,2%), xi măng, giấy, phân bón tăng 10%...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng niêm yết giá để đối phó khi có đoàn đi kiểm tra và niêm yết với giá cao, nhưng một số gian lận trong niêm yết giá chỉ tồn tại ở các cửa hàng nhỏ, còn các cửa hàng lớn, siêu thị, các trung tâm thương mại thực hiện tương đối nghiêm chỉnh.
Tới đây Bộ Thương mại cùng Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác tăng cường hơn nữa kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá như niêm yết, giá hàng hóa và chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại, ... Đặc biết chú trọng việc kiểm tra, niêm yết giá, kê khai, đăng ký giá đối với hàng hoá dịch vụ thiết yếu như: xăng dầu, thực phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí…
Với tốc độ tăng giá đến chóng mặt như hiện nay, liệu có thể kìm giữ được chỉ số giá theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra không, vì thực tế CPI tháng 6 (0,85%) đã tăng gấp đôi dự báo?
Nếu tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra thì chỉ số giá tiêu dùng có thể kiểm soát tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự kiến chỉ số giá tiêu dùng năm nay sẽ tăng khoảng 7,5%.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ theo dõi chặt tác động của việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND và tiền gửi bằng ngoại tệ để có biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời sẽ đẩy mạnh kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, giữ ổn định tỉ giá và các lãi suất chủ đạo của ngân hàng như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu…
Những giải pháp kiềm chế đà "leo thang" giá và bình ổn giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2007:
Từ nay đến cuối năm, mặc dù thị trường xuất hiện nhiều nhân tố kiềm chế giá thị trường tăng như: sản xuất phát triển, các cân đối kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững… Nhưng thị trường vẫn tiềm ấn các yếu tố kéo giá thị trường tăng. Để tiếp tục kiềm chế tốc độ tăng giá trong thời tới, nhất là ổn định giá các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ… Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chủ động điều hành… tập trung mọi nỗ lực dập tắt các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm…; bảo đảm giữ vững cân đối cung - cầu các mặt hàng trọng yếu; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, thực hiện biện pháp đẩy mạnh kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán, giữ ổn định tỉ giá và các lãi suất chủ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thực hiện các giải pháp tài chính góp phần giảm giá, tạo sức ép cạnh tranh như các biện pháp về thuế, phí, xoá bao cấp, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; kiểm soát chặt chẽ việc thu chi Ngân sách; tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, bền vững; thực hiện kiểm soát giá thành, giá bán đối với hàng hoá, dịch vụ quan trọng; Bộ Thương mại chủ trì thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu.
Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng cùng doanh nghiệp cần soát xét chặt chẽ quy hoạch ngành hàng, thực hiện đổi mới công nghệ, thực hành tiết kiệm, tăng năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm để bình ổn thị trường.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành ở địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn giá. Gắn kiểm tra niêm yết giá bán và bán đúng giá; xử lý nghiêm mọi biểu hiện lợi dụng nâng giá bán. Sắp tới, liên ngành sẽ thành lập đoàn kiểm tra một số mặt hàng, lĩnh vực tăng giá quá nhanh như giao thông vận tải, thép xây dựng…


Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường