Sáng chủ nhật 9.5, thịt heo ở các chợ tại TP.HCM ế ẩm, ít người mua. Lúc 8 giờ sáng, khu vực bán thịt heo ở chợ Bắc Ninh, Thủ Đức lưa thưa vài bà nội trợ, có người đứng nhìn hồi lâu rồi tạt qua sạp thuỷ hải sản chứ không mua thịt heo. Bà Sử, nhà ở phường Linh Trung cho biết, cả tuần nay mấy đứa con dặn bà đi chợ không được mua thịt heo nữa.
Người tiêu dùng sợ thịt heo!
“Ai ghé vào cũng hỏi heo có bị dịch tai xanh không thì anh xem còn bán với buôn được gì nữa?”, Minh, một tiểu thương rầu rĩ nói.
Tại các chợ Tân Thuận, chợ tạm Bùi Văn Ba, quận 7, các tiểu thương cho hay, mấy bữa nay lấy 20kg thịt bán cả buổi mà vẫn còn hơn 10kg. “Không chỉ có giới công chức, văn phòng mà ngay cả công nhân bây giờ cũng e ngại thịt heo. Giảm giá tới 15.000 – 20.000 đồng/kg, còn trung bình 55.000 – 60.000 đồng/kg mà cũng vẫn ế”, Hà, chủ sạp thịt heo ở chợ Tân Thuận cho biết. “Sáng nào mấy người bỏ mối cũng bắt lấy thêm vài chục ký, nhưng có bán được đâu mà ôm vào”, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, Bình Thạnh phân trần.
Tại Hà Nội, bình thường sáng nào vợ chồng Hiền ở huyện Mê Linh, Hà Nội cũng chở 70 – 80kg thịt về bán tại ngõ 68 đường Xuân Thuỷ, quận Cầu Giấy, Hà Nội, và bán hết ngay trong buổi sáng. Thế nhưng, “Mấy hôm nay tôi chỉ dám lấy 20kg thịt mà bán đến trưa vẫn còn”, Hiền nói.
Nông dân bán heo chạy dịch
Theo một số thương lái chuyên kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối nông sản Tân Xuân, Hóc Môn, khoảng hai, ba ngày nay, lượng heo đổ về chợ tăng đột biến. Chẳng hạn, đêm ngày 8 rạng sáng 9.5, số heo về chợ này tăng thêm trên dưới 1.000 con, đạt 4.600 – 4.700 con. Ông Trần Quang Trung, thương lái ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai chuyên bán heo ở chợ Tân Xuân cho biết, vài ngày trở lại đây, do lo ngại thị trường đóng băng, người chăn nuôi ở khắp các tỉnh thành phía Nam đã bán tống bán tháo đàn heo. “Đầu phiên chợ, giá heo mảnh bán sỉ còn ở mức 40.000 – 44.000 đồng/kg, nhưng càng về cuối chỉ còn… 30.000 đồng, thấp hơn cả giá heo hơi tại trại”, ông Trung cho biết thêm.
“Virút gây bệnh tai xanh trên heo không gây bệnh cho người khi vô tình sử dụng phải”. Ông Hoàng Văn Năm, quyền cục trưởng cục Thú y |
Ông Trần Văn Hạc, phụ trách kinh doanh nhãn hàng thịt heo công ty C.P cũng cho rằng, mặc dù chưa có dịch tai xanh, nhưng những thông tin từ vùng dịch các tỉnh phía Bắc trên phương tiện thông tin đại chúng khiến cho tâm lý người tiêu dùng phía Nam, nhất là TP.HCM hoang mang. Do đó, mấy ngày nay sức tiêu thụ thịt heo giảm 20 – 30%, người chăn nuôi thấy vậy liền vội bán heo khi chưa đến tuổi xuất chuồng hòng gỡ gạc lại vốn càng khiến cung vượt cầu, giá giảm mạnh. Vì vậy, giá heo hơi vùng miền Đông có nơi chỉ còn 30.000 – 31.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 3.000 – 4.000 đồng/kg.
Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan cũng thừa nhận, thị phần thịt heo của Vissan bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng không thay đổi, nhưng các chợ lẻ thì giảm rõ rệt.
Số liệu thống kê của chi cục Thú y TP.HCM, tuy lượng heo giết mổ tại TP.HCM vẫn duy trì ở mức khoảng 8.000 – 8.500 con/ngày đêm, nhưng heo giết mổ sẵn từ các tỉnh đưa về lại tăng đáng kể, khoảng trên 3.000 con.
Với đà bán tháo đàn heo như hiện nay, chắc chắn nguồn cung thịt heo trong vài ba tháng tới sẽ thiếu hụt. Đến chiều 9.5, một số đơn vị giết mổ chiếm thị phần lớn như Vissan, C.P, San Miguel… cho hay vẫn chưa có kế hoạch mua tạm trữ, cấp đông số đầu heo dư thừa hiện nay, phần do không kham nổi chi phí kho lạnh, phần do thói quen người tiêu dùng thích ăn thịt tươi sống hơn đông lạnh.
Không nên thổi phồng
Ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM khuyên người tiêu dùng hãy bình tĩnh, không nên quá lo lắng vì nguồn heo đưa về thành phố tiêu thụ được kiểm soát chặt chẽ, đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào mắc tai xanh.
Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, ông Hoàng Văn Năm, quyền cục trưởng cục Thú y đã phải lên tiếng: “Việc cảnh báo dịch tai xanh là hoàn toàn đúng, nhưng cũng phải làm sao để người dân đỡ hoang mang. Tránh thổi phồng. Virút gây bệnh tai xanh trên heo không gây bệnh cho người khi vô tình sử dụng phải. Nhưng người dân không được bán chạy, heo bệnh. Mặc dù để phân biệt giữa thịt heo bệnh và thịt heo bình thường khá khó khăn. Tuy nhiên, khi heo bệnh, người dân hay sử dụng kháng sinh và một số loại thuốc thú y khác, nên trong thịt vẫn còn tồn dư lượng kháng sinh lớn. Nếu để ý kỹ, người tiêu dùng có thể phát hiện ra bởi mùi kháng sinh trên thịt khá rõ ràng”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, viện trưởng viện Các bệnh nhiệt đới quốc gia cũng khẳng định, nếu thịt đã được nấu chín thì virút heo tai xanh không lây lan và gây bệnh ở người. Nó có thể trở nên nguy hiểm cho người nếu tiếp xúc với thịt heo sống khi mua bán, chế biến hoặc ăn các món không được đun nấu chín. Người dân không nên ăn thịt heo mắc bệnh, đặc biệt là ăn sống. Những ca mắc liên cầu khuẩn thời gian qua nhập viện chủ yếu tiếp xúc với heo bệnh như ăn tiết canh, buôn bán lòng