Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ Mỹ kiện Nhật về sản phẩm nông nghiệp
13 | 08 | 2007
Nhân dịp Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xin giới thiệu một số kinh nghiệm kiện và đối phó với các vụ kiện rất hay xảy ra giữa các thành viên của tổ chức này.

Trường hợp lần này xin kể đến hồ sơ giải quyết tranh chấp số DS76. Tên hồ sơ: vụ Mỹ khiếu kiện Nhật Bản về các biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp.

Hồ sơ giải quyết tranh chấp số DS76: Nhật Bản - Các biện pháp ảnh hưởng tới sản phẩm nông nghiệp.

Tên vắn hồ sơ: Nhật Bản - Nông phẩm II

Bên khiếu kiện: Mỹ

Bên bị khiếu kiện: Nhật Bản

Bên thứ ba: Brazil, EC, Hungary

Ngày nhận văn bản yêu cầu thảo luận: 07/04/1997

Ngày công bố báo cáo của Ban tư vấn: 27/10/1998

Ngày cập nhật hồ sơ gần nhất: 09/10/2006

Báo cáo của Ban tư vấn và báo cáo của cơ quan phúc thẩm có hiệu lực chế tài

1.Nội dung khiếu nại của Mỹ

Ngày 07/04/1997, Mỹ đệ trình văn bản lên WTO yêu cầu chất vấn Nhật Bản về việc Nhật cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ dưới hình thức áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực phẩm.

Phía Mỹ lên án Nhật Bản cấm nhập khẩu dòng sản phẩm thuộc diện kiểm dịch cho tới khi việc kiểm dịch nhóm hàng đó hoàn tất, bất chấp việc kiểm dịch đối với các dòng hàng cùng chủng loại đã được hoàn tất.

Phía Mỹ cho rằng Nhật Bản vi phạm các Điều 2, 5 và 8 của Hiệp định SPS (Hiệp định vệ sinh & an toàn thực phẩm), Điều XI của Hiệp định GATT 1994 (Hiệp định chung về Mậu dịch và Thuế quan) và Điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp. Ngoài ra, phía Mỹ cũng yêu cầu Nhật Bản bồi thường cho các thiệt hại lợi ích do các biện pháp nói trên gây ra.

Ngày 03/10/1997, Mỹ trình văn bản lên WTO yêu cầu thành lập Ban tư vấn. Tại phiên họp diễn ra vào ngày 16/10/1997, DSB (Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO) chưa chấp thuận yêu cầu của Mỹ. Phía Mỹ tiếp tục yêu cầu thành lập Ban tư vấn và được DSB chấp thuận tại phiên họp 18/11/1997. EC, Brazil và Hungary bảo lưu các quyền của bên thứ ba.

Báo cáo của Ban tư vấn được trình lên các cơ quan điều hành WTO vào ngày 27/101998. Theo báo cáo, Ban tư vấn nhận thấy rằng Nhật Bản đã hành động trái với Điều 2.2 và 5.6 của Hiệp định SPS, trái với phụ lục B và do đó cũng trái với Điều 7 của Hiệp định SPS.

Ngày 24/10/1998, Nhật Bản thông báo ý định kháng cáo một số vấn đề pháp lý và cách giải thích luật của Ban tư vấn lên cơ quan phúc thẩm. Báo cáo của cơ quan phúc thẩm được trình lên các cơ quan điều hành WTO vào ngày 22/02/1999. Cơ quan phúc thẩm đồng ý với nhận định cơ bản của Ban tư vấn về việc Nhật Bản hành động trái với các yêu cầu của Hiệp định SPS khi kiểm nghiệm riêng rẽ từng loại hàng nhập khẩu thuộc nhóm táo, anh đào, xuân đào và óc chó.

Hiệu lực chế tài của báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và báo cáo sửa đổi của Ban tư vấn được DSB ra quyết định công nhận vào ngày 19/03/1999.

2. Hiện trạng thực thi phán quyết của DSB

Căn cứ vào Điều 21.3 của DSU (Quy định về quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp), ngày 13/04/1999 phía Nhật Bản thông báo với DSB về việc nước này đang nghiên cứu các biện pháp thi hành khuyến cáo của DSB.

Trong quá trình trao đổi thông tin chung, Mỹ và Nhật thông báo với DSB vào ngày 15/06/1999 về việc hai bên đã đạt được thoả thuận về thời gian thực thi là 9 tháng 12 ngày tính từ ngày các báo cáo được thông qua.

Ngày 31/12/1999, Nhật Bản bãi bỏ yêu cầu kiểm dịch đơn lẻ và “Hướng dẫn kiểm nghiệm” theo đúng tinh thần các phán quyết của DSB. Tại phiên họp của DSB diễn ra vào ngày 14/01/2000, Nhật Bản tuyên bố đã tiến hành thảo luận với phía Mỹ về phương thức kiểm dịch mới áp dụng cho các sản phẩm bị cấm nhập khẩu do bị nhiễm sâu táo.

Tại phiên họp 24/02/2000 của DSB, Nhật Bản thông báo nước này mong muốn cùng Mỹ đạt được một giải pháp kiểm dịch mới hợp lý cho cả hai bên.

Ngày 23/08/2001, Nhật Bản và Mỹ thông báo lên DSB hai bên đã đạt được thoả thuận về các điều kiện dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu hoa quả nói chung và các loại quả nói riêng thuộc phạm vi tranh chấp.



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường